|
Ngày 12/01/2017 tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về " Tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống sản xuất nông nghiệp: sinh kế bền vững ở ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu" do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các Trường Đại học Southampton, Hull, Exeter (Vương quốc Anh) và Đại học Cần Thơ đồng tổ chức.
Mục tiêu khởi đầu của Hội thảo nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học đa ngành của cấc Trường Đại học thuộc Vương quốc Anh và Việt Nam, các tổ chức quốc tế và những cơ quan nghiên cứu, chuyên gia chủ chốt có khả năng mang lại những hiểu biết quan trọng về sự cân bằng giữa lũ, bùn cát và phù sa, hệ thống nông nghiệp và các chiến lượng sinh kế ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Kết quả mong đợi của Dự án hướng đến việc kiểm chứng các công cụ mô hình toán mới, nhằm hỗ trợ công tác đánh giá giữa các lựa chọn quản lý nước và canh tác lúa, trên cơ sở thâm canh bền vững (về năng suất và kinh tế xã hội của các nhóm người dân khác nhau) hoặc dưới tác động của một số thay đổi về môi trường như: việc xây đập thượng nguồn sông Mê Công, thay đổi sử dụng đất/lớp phủ thực vật và biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tham dự hội thảo và tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp với các chuyên gia quốc tế.
Dự Hội thảo có các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đồng Tháp; Sóc Trăng; Chi cục Thủy lợi các tỉnh: Đồng Tháp; Long An; Tiền Giang; Vĩnh Long; Cần Thơ…
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 5 vùng chịu ảnh hưởng năng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân trong vùng. Đặc biệt năm 2016, xâm nhập mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng nặng đến 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2017 sạt lở diễn ra phức tạp ở nhiều nơi thuốc Đồng bằng. Hội thảo lần này là cơ hội để ghi nhạn ý kiến các chuyên gia quốc tế thuộc Vương quốc Anh, các Trường, Viện và các địa phương về sinh kế bền vững cho ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hội thảo làm việc trong 2 buổi và kết thúc lúc 16g cùng ngày./.
Hình ảnh tại Hội thảo:
Tin và ảnh: Phòng Kế hoạch