Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam được quy định tại Quyết định số 2862/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Thực hiện đề tài KHCN cấp nhà nước mã số: ĐTĐL.2010T/29: “Nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý”.
Thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; thực hiện các dự án điều tra cơ bản: "Đo đạc giám sát diễn biến lòng dẫn, bồi lấp, sạt lở: -Bờ sông, lòng dẫn sông Cửu Long (Từ Sa Đéc đến biên giới Việt Nam- Campuchia)" và “Điều tra khảo sát sạt lở, bồi lắng trên hệ thống kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp & PTNT giao cho Viện.
Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam báo cáo nhanh một số vấn đề liên quan đến sạt lở khu vực Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang như sau:
Hiện nay, ngoài những khu vực trọng điểm sạt lở trên hệ thống sông kênh rạch ở ĐBSCL và trên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn như đã báo cáo trước đây, các tỉnh ở thượng nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp vẫn có nguy cơ bị sạt lở cao, do ảnh hưởng của lũ nhiều hơn so với các tỉnh chịu ảnh hưởng triều là chính. Đặc biệt là do tác động của lũ lớn năm 2011 gây ra.
Vào ngày 4/3/2012 sạt lở bờ sông đã xảy ra rất nghiêm trọng ở khu vực phường Bình Đức, Tp.Long Xuyên tỉnh An Giang, Viện đã có báo cáo theo công văn số 284/VKHTLMN ngày 12 tháng 3 năm 2012 xin ý kiến chỉ đạo và giải quyết kịp thời nhằm giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng sạt lở bờ khu vực này.
Gần đây là vào ngày 26/5/2012 sạt lở lại tiếp tục xảy ra ở khu vực bờ phải sông Hậu tại tổ 3, khóm Bình Thới 1, Phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Vị trí này cách khu vực sạt lở đợt tháng 3 năm 2012 (khu vực phường Bình Đức) khoảng 1000 m về phía hạ lưu. Diễn biến tình hình diễn biến sạt lở khu vực này như sau:
- Ngày 24/5/2012, vết nứt dài và sâu vào trong bờ đã xuất hiện trong khu vực, uy hiếp 9 hộ dân với 29 nhân khẩu. UBND phường Bình Khánh đã vận động 9 hộ dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, tạm thời bố trí các hộ dân ở tạm tại các phòng học của trường tiểu học Phan Chu Trinh). Đến ngày 25/5/2012, vết nứt tiếp tục mở rộng thêm ở khu vực 3 hộ tiếp theo, nâng tổng số đối tượng bị ảnh hưởng là 12 hộ dân, 1 nhà máy nước đá của DNTN Thái Bình, 01 kho chứa trụ bê tông và 1 văn phòng khóm Bình Thới 1.
- Vào khoảng 5h30 ngày 26/3/2012 sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực này với chiều dài theo bờ sông khoảng 100m và chiều sâu lấn vào bờ khoảng 30m, làm sụp đổ hoàn toàn 5 căn nhà của các hộ dân và nhà xưởng của Doanh nghiệp Tư nhân Thái Bình, không có thiệt hại về người (do đã chủ động di dời).
- Khảo sát khu vực thượng và hạ lưu của cung trượt hiện tại, vẫn thấy xuất hiện rất nhiều vết nứt dài với chiều rộng khoảng 0,3cm đến 2cm. Vài căn nhà cao tầng sát khu vực sạt lở bị nghiêng ra phía bờ sông khoảng 1,5 độ. Vì vậy khả năng sạt lở tiếp tục là rất cao.
- Khảo sát khu vực sạt lở đợt tháng 3/2012 (khu vực sạt lở cũ ở phường Bình Đức) thấy có xuất hiện vết nứt mới ở hạ lưu của cung sạt lở cũ. Địa phương đã căng dây cảnh báo sạt lở đối với khu vực này. Khả năng tái diễn sạt lở ở khu vực này là rất cao.
Gần đây nhất là vào lúc 8g ngày 29/5/2012, một đợt sạt lở lớn làm sạt khoảng 130m bờ sông Tiền, đoạn ấp Phú Quới, xã Phú An , Huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, làm thiệt hại 16 căn nhà, nằm cách Tỉnh lộ 954 huyện Phú Tân từ 15-29m. Đây là một trong những vùng có nguy cơ sạt lở đã được dự báo. Chính quyền địa phương đã chủ động cho người dân di dời trước đó hai ngày nên không có thiệt hại về người. Khu vực này nằm trên đoạn sông cong của một nhánh sông Tiền – nhánh chảy vào sông Vàm Nao, là nhánh chuyển khoảng 35% lượng nước của sông Tiền quan sông Hậu.
Nguyên nhân chính gây ra sạt lở của khu vực Tp.Long Xuyên là do hình thái sông Hậu trong khu vực thay đổi trong những năm gần đây, làm cho nhánh phải (đi qua Tp.Long Xuyên) phát triển, tải khoảng 75% (nhánh trái chỉ 25%) tổng lưu lượng của sông Hậu. Do tải lưu lượng lớn, mặt cắt sông lại nhỏ và bị co hẹp, vận tốc dòng chảy tập trung sát bờ khu vực này vượt quá khả năng chịu xói của bờ sông, liên tục gây ra xói lở, sạt lở bờ trong thời gian qua.
Giải pháp cấp bách trước mắt, địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp và di dời dân cư từ tháng 3/2012. Mặt khác, địa phương cũng cần có các biện pháp quản lý khu vực (khai thác cát, chất tải trọng ven bờ sông, neo đậu tàu thuyền ven bờ sông…). Hiện tại, địa phương cũng cho lấp chân hố xói tại khu vực sạt lở. Đây là giải pháp tình thế, không ngăn chặn được sạt lở trong tương lai trên toàn bộ khu vực.
Giải pháp tổng thể lâu dài là phải xây dựng quy hoạch Chỉnh trị sông cho khu vực Tp.Long Xuyên, trong đó cần dùng biện pháp công trình nhằm giảm lưu lượng vào nhánh qua Tp.Long Xuyên, tăng lưu lượng qua nhánh trái cù lao ông Hổ và ổn định tỷ lệ phân lưu hợp lý. Theo kết quả tính toán từ đề tài KHCN cấp nhà nước: “Nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý”, có thể tăng quy mô khai thác cát và nạo vét lòng sông ở nhánh trái cù lao ông Hổ. Giải pháp này có thể chuyển được khoảng 6% lưu lượng từ nhánh phải qua nhánh trái, giảm xói lở cho khu vực Tp.Long Xuyên mà vẫn không gây tác động bất lợi đến cả khu vực. Hiện tại đề tài vẫn đang tiếp tục nghiên cứu trên mô hình toán và kiểm định kết quả trên mô hình vật lý các giải pháp khai thác cát và nạo vét, các giải pháp kết hợp nhằm giảm thiểu xói lở cho khu vực Tp.Long Xuyên.
Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam