công nghệ thủy lợi
phục vụ
phát triển bền vững

Ngày 16 và 22 tháng 4 năm 2011, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã tổ chức nghiệm thu chính thức các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở do Viện thực hiện trong 2 năm 2009-2010. Sau đây là một số thông tin chính về kết quả nghiệm thu:
1/ Đề tài Nghiên cứu biện pháp xử lý chất thải từ nuôi cá tra bằng biện pháp sinh học đơn giản (Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đồng Thị An Thụy).
Mục tiêu đề tài là xác định được mức độ suy giảm chất lượng nước do nuôi cá tra; xác định hiệu quả hấp thu và chuyển hóa chất ô nhiễm của các đối tượng sinh học và đề xuất quy trình xử lý chất thải từ nuôi cá tra cho vùng ĐBSCL.
Đề tài đã thử nghiệm mô hình xử lý nước thải từ nuôi cá tra bằng hồ sinh học; bằng cánh đồng tưới nông nghiệp (áp dụng cho cây lúa). Kết quả nghiên cứu cho thấy hồ sinh học có thể xử lý được các hợp chất NH4+, PO4 3-và các hợp chất hữu cơ, tuy nhiên giải pháp xử lý này chưa triệt để vì chưa tách bỏ hoàn toàn lượng N cũng như chất hữu cơ ra khỏi nguồn nước. Giải pháp cánh đồng tưới cho thấy cây lúa hấp thu khá nhanh NH4+, loại bỏ trên 70% tổng N ra khỏi nguồn nước sau 33 giờ tưới lúa từ nước thải nuôi cá tra.
Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu đề tài loại Xuất sắc (35/40 điểm).
2/ Đề tài Nghiên cứu biện pháp xử lý nước thải cho các nhà máy chế biến khoai mì quy mô nhỏ vùng miền Đông Nam bộ (Chủ nhiệm đề tài: KS. Mai Thị Tuyết Tâm).
Mục tiêu đề tài là xác định được hiệu quả xử lý nước thải từ chế biến tinh bột khoai mỳ bằng mô hình UASB kết hợp với vi sinh vật dính bám và hồ sinh học; đề xuât được biện pháp xử lý nước thải khả thi cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Đông Nam bộ.
Đề tài đã thử nghiệm mô hình xử lý UASB và Hybrid (có vật liệu dính bám) kết hợp xử lý bằng hồ sinh học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng vật liệu lọc phía trên cột UASB đã làm tăng hiệu quả xử lý của cột lên từ 9-14% so với cột không có cá thể dính bám. Nước thải sau khi xử lý qua các cột mô hình kỵ khí giá trị COD còn rất cao, sau khi được xử lý tiếp tục qua các hồ kỵ khí có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường. Giải pháp xử lý hoàn toàn bằng hồ sinh học cũng có thể xử lý chất ô nhiễm có trong nước thải khoai mỳ, khá phù hợp với các nhà máy quy mô nhỏ vùng Đông Nam bộ.
Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu đề tài loại Khá (33,8/40 điểm).
3/ Đề tài Nghiên cứu chế tạo bê tông từ cốt liệu có hàm lượng sét và muối cao để sử dụng vào các mục đích khác nhau (Chủ nhiệm đề tài: ThS. Khương Văn Huân)
Mục tiêu đề tài là xác định được cơ sở khoa học khi dùng cát có hàm lượng muối cao để chế tạo bê tông phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông nghiệp và thủy lợi.
Đề tài đã đề xuất và thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật đối với cát biển:
+ Giới hạn hàm lượng ion clo, sulfat của cát nhiễm mặn trên cơ sở giới hạn tổng thể tạp chất trong hỗn hợp bê tông;
+ Thử nghiệm trong môi trường nhiễm mặn, môi trường không khí, môi trường nước có các hàm lượng muối khác nhau;
+ Thử nghiệm một số phụ gia;
+ Giảm lượng ion clo bằng biện pháp rửa cát với nước có hàm lượng muối thấp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng cát biển nhiễm mặn không ảnh hưởng đáng kế tới sự phát triển cường độ bê tông, tuy nhiên do cát biển là loại hạt mịn nên lượng xi măng dùng cao hơn thông thường.
Đề tài kiến nghị có thể dùng cát biển để chế tạo bê tông khi thỏa mãn tổng lượng ion clo không quá 1,9 kg/1m3 bê tông. Có thể sử dụng cát biển chế tạo bê tông không cốt thép cho các công trình làm việc trong môi trường nước có độ mặn nhỏ hơn 30g/l. Đối với bê tông cốt thép có thể sử dụng cát biển để chế tạo các kết cấu làm việc trong môi trường nước có hàm lượng ion clo nhỏ hơn 4g/l (tương đương độ mặn khoảng 7g/l).
Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu đề tài loại Khá (32,8/40 điểm).
4/ Đề tài:"Nghiên cứu chế độ thủy lực, đánh giá ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế sạt lở bờ do khai thác cát trên sông Đồng Nai tại khu vực cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa" (chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Đức Vượng);
Mục tiêu của đề tài là xác định ảnh hưởng khi khai thác cát gây sạt lở bờ sông và đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế sạt lở bờ do khai thác cát trên sông Đồng Nai tại khu vực cầu Thạnh Hoá, thành phố Biên Hoà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Bằng thiết bị, công nghệ hiện đại kết hợp với mô hình toán 1D,2D, đề tài đã đề xuất giải pháp kỹ thuật khai thác cát mang tính khả thi, khắc phục sạt lở bờ. Kết quả của đề tài là cơ sở giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý khai thác khoáng sản (mỏ cát) một cách hợp lý.
Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu đề tài loại Khá (32/40 điểm).
![]() |
|
![]() |
![]() |
![]() |
Một số hình ảnh khai thác cát và sạt lở bờ tại Cầu Thạnh Hoá - TP. Biên Hoà
Phòng Kế hoạch - VKHTLMN
- Bản tin tuần (từ ngày 01/6 đến ngày 08/6/2023) dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất, điều hành cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Bản tin tuần "Giám sát và dự báo chất lượng nước vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ ngày lấy mẫu 19/05/2023 - Dự báo từ ngày 28/05/2023 đến ngày 02/06/2023"
- Bản tin tuần "Giám sát và dự báo chất lượng nước vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ ngày lấy mẫu 19/05/2023 - Dự báo đến ngày 27/05/2023
- Bản tin tuần (từ ngày 25/5 đến ngày 01/6/2023) dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất, điều hành cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long - Sạt lở và các giải pháp phòng chống
- Tài liệu hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021)
- Các giải pháp kết cấu công trình ven biển thích ứng biến đổi khí hậu
- Kiến trúc nhà ở nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa