công nghệ thủy lợi
phục vụ
phát triển bền vững

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn |
"Cần gắn kết cộng đồng, đặc
biệt là giới doanh nghiệp và giới khoa học để cùng hợp tác, chia sẻ để xây
dựng một thị trường công nghệ"... Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã tâm
sự như trên tại Bàn tròn trực tuyến do VietNamNet tổ chức vào sáng 8/9.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong trao đổi về Chiến lược phát triển KH-CN
Việt Nam đến năm 2010, trong Bàn tròn trực tuyến "KH-CN Việt Nam góp phần
vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước".
Theo các tài liệu đã công bố,
lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ tương đối đông đảo với trên 1,4 triệu
cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng, 30 nghìn cán bộ có trình độ trên đại
học (trong đó có hơn 13 nghìn tiến sỹ), có khoảng 6.000 người mang chức danh
giáo sư và phó giáo sư và khoảng 2 triệu công nhân kỹ thuật. Cùng với đội
ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đông đảo đó, một mạng lưới với khoảng 1.050
tổ chức khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có hơn
450 tổ chức ngoài Nhà nước. Lực lượng khoa học này đã đóng góp gì cho đất
nước?
Với kinh phí đầu tư cho KH&CN là 2% chi ngân sách, tức gần 400 triệu USD (năm
2007), KH-CN Việt Nam đã có đóng góp được gì vào công cuộc xây dựng, phát
triển đất nước? Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học có được sử dụng hiệu
quả?
… Đó là một trong những vấn đề mà VietNamNet thẳng thắn đặt ra trong Bàn
tròn trực tuyến với Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, được tổ chức vào
9g30 ngày thứ hai, 8/9 tại Tòa soạn VietNamNet.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, trong nhiều năm nay, "KH-CN đã có
khả năng thích nghi và làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài
trong các lĩnh vực như viễn thông, khai thác dầu khí, năng lượng (xây dựng
và vận hành các nhà máy thủy điện, truyền tải và phân phối điện), cơ khí lắp
ráp ôtô, xe máy và hàng điện tử dân dụng, xây dựng cầu có khẩu độ lớn, đường
cao tốc chất lượng cao, sản xuất vật liệu xây dựng.
Lực lượng KH-CN đã nghiên cứu giải quyết nhiều vấn đề từ thực tiễn cuộc sống
như: cơ sở khoa học cho các phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là
phương án kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, các
giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên dải ven biển Bắc Bộ, các
giải pháp chống sa mạc hóa vùng ven biển miền Trung, các phương pháp sản
xuất vắc xin phòng chống viên gan B.
Trong nông nghiệp, KH-CN đã góp phần lai tạo được nhiều giống cây con cho
năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài các giống lúa, các giống ngô lai của
Việt Nam đã cạnh tranh được với giống nhập, chiếm lĩnh 65% thị phần trong
nước.
Lực lượng KH-CN cũng đã nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất giống và
nuôi tôm sú nước mặn, nước lợ và nước ngọt, năng suất từ vài tạ/ha đã tăng
lên 2-3 tấn/ha. Nhờ ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, ngành nông
nghiệp đã tạo ra mức tăng sản lượng lương thực từ 30,6 triệu tấn (năm 1997)
lên 34,7 triệu tấn (năm 2000)... "
Từ cuối năm 2007, Bộ KH&CN đã triển khai xây dựng “Chương trình Sản phẩm
quốc gia với mục tiêu” sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ nhằm
phục vụ cho việc sản xuất một số sản phẩm hoặc một số nhóm sản phẩm chủ lực
đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.
Đây là những sản phẩm mang tầm quốc gia, có khả năng nâng cao trình độ công
nghệ sản xuất một số ngành, lĩnh vực, tạo chuyển biến cơ bản về năng suất,
chất lượng ở một số ngành kinh tế quan trọng.”
Không thể phủ nhận sự đóng góp của KH-CN vào sự nghiệp xây dựng và phát
triển đất nước… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, đã có nhiều bài báo
phân tích, mổ xẻ vấn đề: năng suất khoa học của nước ta còn quá thấp!
Trong một bài viết gần đây, TS Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN thừa nhận: "Hiện
nay, các nhà khoa học nước ta chỉ công bố được khoảng 120 bài báo khoa học
mỗi năm. Kết quả KH-CN của các trường đại học còn nghèo nàn, ít có bài báo
được đăng tải trên các tạp chí có uy tín của nước ngoài, ít có sáng chế được
đăng ký và công nhận (theo số liệu của 2 trung tâm đào tạo lớn nhất đất nước
là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trong
3 năm 2005-2007 không thấy báo cáo có sáng chế và giải pháp hữu ích nào được
đăng ký trong nước và quốc tế)".
Trong khi đó, mục tiêu của Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam đến năm 2010
là: "Tập trung xây dựng nền KH-CN nước ta theo hướng hiện đại và hội nhập,
phấn đấu đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, đưa
KH-CN thực sự trở thành nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước" (Đề án Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN”, ban hành theo Quyết
định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ KH&CN và lực lượng khoa học công nghệ Việt Nam sẽ làm gì và làm như thế
nào để đạt được mục tiêu nói trên?
Bộ trưởng Bộ KH&CN Giáo sư Hoàng Văn Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN từ năm 2002 đến nay, (nguyên Hiệu
trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội) sẵn sàng thảo luận cùng bạn đọc.
Dự Bàn tròn trực tuyến, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong thay mặt Bộ KH&CN
đã cảm ơn Báo VietNamNet tạo điều kiện để mạn đàm với độc giả quan tâm về
phát triển KH-CN trong toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong phác hoạ bối cảnh của nền KH-CN Việt Nam
hiện nay. Ông nói, hoạt động KH-CN là một trong những lĩnh vực quan trọng
của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng, có tính bước
ngoặt của dân tộc. Những năm qua, đội ngũ người Việt Nam tham gia hoạt động
KH-CN trực tiếp ở các viện nghiên cứu, triển khai nghiên cứu khoa học ở các
DN với một nước đang phát triển khá đông đảo, chất lượng khá đảm bảo, thực
hiện các nhiệm vụ đất nước giao phó, trong thời chiến cũng như thời bình.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhịp độ nhanh, phát triển cao ở mọi mặt kinh tế -
xã hội và bản thân nền khoa học, nỗ lực chưa đạt kết quả như mong muốn. Lực
lượng làm công tác khoa học đông nhưng chưa đủ. Đội ngũ người làm công tác
khoa học chưa được thống kê và chăm lo, thúc đẩy phát triển như mong muốn.
Muốn đưa được KH-CN vào cuộc sống, tác động vào nền kinh tế, đây phải là lực
lượng quan trọng, là chủ thể và trung tâm của đổi mới KHCN trong đổi mới của
VN, quyết định chất lượng hàng hóa, chất lượng nền kinh tế Việt Nam.
Để làm được, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển KH-CN đến 2010,
hiện đang tổng kết, đánh giá để xây dựng chiến lược đến 2020. Nhìn lại 8 năm
qua, 4 nội dung quan trọng: Đổi mới cơ chế, phát triển thị trường công nghệ,
phát triển tiềm lực KH-CN đất nước và hội nhập quốc tế về KH-CN đã được
triển khai hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự
phối hợp của các ban ngành, đã có nhiều bước tiến ở cả 4 nội dung.
Thực hiện những mục tiêu nói trên, Bộ KH&CN đã và đang hoàn thiện cơ chế
quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu
trách nhiệm (theo Nghị định 115, thành lập doanh nghiệp (DN) KH-CN với tinh
thần là trao tự chủ cho nhà khoa học, tổ chức khoa học, phân cấp cao nhất
cho các nhà khoa học). Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh lực lượng KH-CN của đất
nước: "Lực lượng là chủ thể là các DN khoa học. Ai đi đầu trong việc đưa
KH-CN thành lực lượng sản xuất? - các DN khoa học.
Họ là các nhà khoa học mang tinh thần DN, biến KH-CN thông qua sản phẩm với
sức cạnh tranh, chất lượng chiếm lĩnh thị trường, vừa nghiên cứu vừa trực
tiếp sản xuất. Nếu thành công đổi mới lực lượng khoa học CN, có thể đẩy
nhanh KH-CN vào sản xuất, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước. Tạo động
lực cho các nhà khoa học làm khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế".
Liên kết doanh nghiệp và khoa học: Chưa đạt như mong muốn
Đi vào những vấn đề cụ thể, trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa doanh nghiệp
(DN) và khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong thẳng thắn nhìn nhận,
quan hệ giữa giới DN và giới KH chưa đạt mức độ mong muốn. Các nhà KH trong
quá trình nghiên cứu có quan tâm vấn đề trong thực tiễn, nhưng nghiên cứu
xong chưa quan tâm, không quan tâm hoặc chưa đủ năng lực đưa quan tâm của
mình đến người dùng, mà phải là DN.
Không ít kết quả nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn nhưng sau nghiên cứu
không về với thực tiễn mặc dù ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao
công nghệ.
DN Nhà nước chiếm phần không lớn trong hơn 300000 DN, nhưng chiếm vốn lớn,
đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó là hệ thống các DN khác. Chính phủ và
Bộ KH&CN dành nhiều dự án lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hợp tác đó mang
hiệu quả lớn: thi công lắp ráp nhà máy thủy điện nhỏ và trung bình, hoàn
toàn do giới khoa học Việt Nam làm, hoặc đào đường hầm xuyên núi, thiết kế,
thi công cầu: Nối Bến Tre và Tiền Giang, đèo Hải Vân. Có những công ty Việt
Nam trước làm nhà thầu thứ cấp cho nước ngoài, bây giờ đã nắm vững công nghệ
quản lý và triển khai, để trở thành nhà thầu chính, không chỉ ở Việt Nam mà
cả nước ngoài.
Về nông nghiệp, các nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho nông dân. Đợt bệnh
của tôm, sau 3 tháng giải quyết, giảm thiệt hại còn 200 tỷ đồng. Nhiều kết
quả khoa học từ 2-3 năm trước, khi có vụ việc xảy ra đã giúp giảm thiệt hại
cho bà con. Khả năng hỗ trợ của khoa học cho bà con đã thể hiện qua thực tế.
Giới khoa học có "nợ" nông dân?
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong cũng đã trả lời nhiều câu hỏi do bạn đọc
gửi đến... Trả lời câu hỏi của bạn đọc về "món nợ" giữa nhà khoa học với
nông dân khi lực lượng KH-CN thì đông đảo nhưng chưa đáp ứng hết được nhu
cầu của nông dân, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trả lời: "Đúng là KH-CN "nợ"
nông dân nhiều, nhưng cũng làm được nhiều để giảm "nợ" hoặc không "nợ" bà
con nông dân. Phải nhìn cả hai khía cạnh...
Hiện nay, nhiều ứng dụng không quá phức tạp, mà nhiều bà con dù học không
nhiều, nhưng do mưu sinh, thực tiễn sản xuất và mong muốn giúp bà con hàng
xóm nên đã tạo nên những công cụ cần cho sản xuất như máy tuốt lúa, bóc ngô.
Nhà khoa học nợ bà con ở chỗ đáng ra giới khoa học và DN phải đưa những máy
đó đến bà con nông dân.
Nhưng cũng không thể nói có hiện tượng nông dân tự chế ra những máy móc phục
vụ cho một số ít nhu cầu sản xuất nào đó rồi vội kết luận, lực lượng khoa
học không làm gì hết!
Ngay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khuyến khích những sáng tạo như vậy. Họ có
chương trình hỗ trợ cho người nông dân yêu thích khoa học cải tiến sản phẩm
máy móc, tạo điều kiện về cơ chế, tài chính để sau đó họ thành lập DN. Có
chương trình phát hiện và hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Những sáng kiến mà
Bộ KH&CN đã biết và phát hiện từ nhiều nguồn, Bộ đều mời người có sáng tạo
tham gia, giới thiệu, để đăng kí, thành lập DN, hỗ trợ tài chính vay vốn để
có điều kiện phát triển. Hiện có không ít DN từ những người yêu thích khoa
học - kỹ thuật đang phát triển".
Đã có nhiều thành công, ví dụ như ở Lai Châu, 10 năm trước, từ chương trình
hỗ trợ nông thôn miền núi giúp cho bà con ở Điện Biên tiếp thu giống lúa mới,
với quy trình canh tác, đảm bảo cho Lai Châu cũ đủ lương thực, không trông
chờ vào trợ cấp của Nhà nước. Nay đang đặt vấn đề cải tiến giống lúa đấy, từ
một tỉnh thiếu lương thực, cần Nhà nước tiếp tế thường xuyên, nay nhờ công
nghệ mới nên đã có thể xuất khẩu tương đương số lương thực nuôi bà con nông
dân tỉnh.
Ví dụ thứ hai, như vừa trao đổi, là thành công của giải pháp công nghệ để
trị bệnh cho tôm hùm, hay DN vừa và nhỏ với nhà KH, nông dân giải quyết
thiệt hại do xoắn lá ở ĐBSCL, giảm thiệt hại cho hàng ngàn héc ta lúa. Khó
nói sáng kiến, hay công việc đó là của bà con nông dân hay nhà KH mà là sự
kết hợp của nhiều bên.
Ví dụ như thế rất nhiều, có thể bà con đi trước, nhà khoa học đi tiếp, có
thể nhà khoa học đi trước và bà con tham gia vào. Cũng nên phân biệt người
đi trước đi sau nhưng quan trọng hơn là nhìn sự phối hợp để xem hiệu quả ra
sao.
Tập trung đầu tư KHCN theo chiều sâu
Nhiều bạn đọc quan tâm và gửi câu hỏi đến Bộ trưởng, tập trung vào việc VN
đã đầu tư KH-CN theo chiều sâu chưa hay còn dàn trải trên diện rộng? (Hoàng
Đại Dương - Vũng Tàu và một bạn đọc ở Áo). Làm thế nào đầu tư vào chiều sâu,
tập trung vào lĩnh vực gì?
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trả lời: "Hoan nghênh các bạn đã nêu vấn đề này
lên. Đây cũng là vấn đề thường trực với tôi. Hiện kinh phí cho KH-CN không
dưới 2% chi ngân sách, thực hiện phân chia ngân sách theo Luật Ngân sách,
tùy từng giai đoạn để phân chia cho hoạt động khoa học và đầu tư phát triển,
cho các địa phương và các ngành, 8-10% cho nhu cầu và vấn đề khoa học ở cấp
Nhà nước.
Nếu nhìn đầu tư để có sản phẩm lớn, ví dụ thế hệ tên lửa như Trung Quốc, thế
hệ tàu ngầm nguyên tử, trong đó KH-CN phải thiết kế, lắp ráp được thì chưa
có. Theo nghĩa đó chúng ta còn đầu tư dàn trải ra các ngành, địa phương.
Phân bổ theo địa phương hay theo khu vực trọng điểm, cần phải tính. Dàn trải
ở chỗ nếu tỉnh nào cũng làm cùng một vấn đề thì trùng lặp, không rút kinh
nghiệm...
Xử lý nội dung, vấn đề gì do các địa phương quyết định. Nếu kịp thời Bộ KH&CN
phải có chủ trương cụ thể, nhưng không thể ngăn ĐBSCL nghiên cứu bệnh này và
Đồng bằng sông Hồng không nghiên cứu nữa. Việc nghiên cứu phải tiến hành
đồng thời. Nếu sau này thiết lập hệ thống mạng lưới công nghệ thông tin, các
tỉnh có trao đổi để sử dụng kết quả. Đây là vấn đề của cả nước...
Trả lời câu hỏi của nhiều bạn đọc muốn xác định vị trí của Việt Nam trên bản
đồ KH-CN thế giới? Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trả lời, hiện Bộ KH-CN đang
tiến hành nghiên cứu, xác định tiêu chí khách quan cho vị thế của KH-CN nước
nhà. Nhưng cần thấy là, sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua không
thể thiếu sự đóng góp của KH-CN. Ví dụ, để xuất khẩu gạo, cà phê và được thị
trường quốc tế chấp nhận thì sản phẩm phải đạt những tiêu chí khoa học của
họ. Khoa học Việt Nam phải đóng góp được 20-30% vào những thành công đó.
Kỳ vọng của Bộ trưởng: Cần sự góp sức của cộng đồng
Ở góc độ riêng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã chia sẻ với bạn đọc
VietNamNet về công việc của mình hiện nay.
Một bộ trưởng có thể lắng nghe điều nói thật và có thời gian để nghe điều
nói thật không? Bộ trưởng Hoàng Văn Phong tâm sự, để làm tốt công việc, Bộ
trưởng phải toàn tâm, toàn ý, tận tụy với công việc dù ở lĩnh vực nào.
Ông nói: "Không phải lúc nào mình cũng đúng. Mình sai thì mình phải sửa,
trao đổi với mọi người, với cấp dưới, rằng tôi tiếp cận chưa đúng, chưa hết.
Cởi mở như thế đồng nghiệp mới đóng góp với mình. Thêm vào đó, không phải Bộ
trưởng thì không biết cáu. Có lúc cáu, bực mình, nhưng không được làm mất uy
tín của đồng nghiệp, và chấp nhận đồng nghiệp cấp thấp hơn cũng được quyền
cáu".
"Quan trọng là mình cầu thị. Mình đúng, người ta sai, chấp nhận để bàn bạc.
Mình sai, người ta đúng, mình cũng phải chấp nhận Bộ trưởng được phép sai,
sai ít và không dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Hiểu và thừa nhận việc đó với
người mình tiếp xúc, làm việc và với tập thể mình làm việc. Cái đó không có
gì ghê gớm, nhiều người cấp cao hơn tôi làm được".
Trả lời câu hỏi của VietNamNet, Bộ trưởng mong làm điều gì nhất trong nhiệm
kỳ của mình? Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trả lời, điều làm được là cơ bản định
hình, xác định và trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng môi trường pháp lý cho
hoạt động KH-CN. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động KH-CN. Tạo
cơ chế chính sách để cộng đồng khoa học gắn với cộng đồng DN và được tự chủ,
tự chịu trách nhiệm. Xây dựng cơ chế mới về tài chính trong hoạt động quản
lý KH-CN.
Điều mong muốn của Bộ trưởng là, thời gian tới, muốn cùng cộng đồng khoa học,
DN, các bộ cùng hợp tác, xây dựng được một thị trường công nghệ gắn kết với
thị trường. "Làm được như vậy, tôi cho rằng, nhà khoa học, giới DN có thể
làm được nhiều việc mà Hàn Quốc, Đài Loan làm được 15-20 năm trước và Trung
Quốc đang làm. Bản thân một mình tôi không làm được nhưng cần sự hợp tác,
chia sẻ của các bên, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo
VietNamNet và các kênh khác, để cùng trao đổi tiếp. Qua trao đổi, sẽ xác
định rõ nhu cầu của các bên, tạo thêm điều kiện cho KH-CN phát triển.
Nguồn: VIETNAMNE
- Bản tin tuần (từ ngày 23 đến ngày 30/6/2022) dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất, điều hành cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Bản tin tuần " Giám sát và dự báo chất lượng nước vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ ngày lấy mẫu 13/6/2022 - Dự báo 22/6/2022
- Bản tin tuần (từ ngày 16 đến ngày 23/6/2022) dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất, điều hành cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Bản tin tuần (từ ngày 09 đến ngày 16/6/2022) dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất, điều hành cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long - Sạt lở và các giải pháp phòng chống
- Tài liệu hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021)
- Các giải pháp kết cấu công trình ven biển thích ứng biến đổi khí hậu
- Kiến trúc nhà ở nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa