|
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả bước đầu lập quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã đăng tóm tắt bản quy hoạch này trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 9/3/2008 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân thành phố. Một điều mà nhiều người quan tâm là tiêu thoát, hạ thấp mực nước pha đỉnh triều như thế có tính đến tiêu nước mưa không? Một số người, rất tiếc là có cả chuyên gia ngành thủy lợi phát biểu sai lệch là Bản quy hoạch này chưa tính đến tiêu nước mưa, thậm chí có biếm họa vẽ hình ảnh Bản quy hoạch là rào kín thành phố lại và ghi chú là Dự án chống ngập TP.Hồ Chí Minh!
Vậy trong Bản quy hoạch đã tính đến lượng mưa cần tiêu chưa và tính như
thế nào?
Trước hết phải nhắc tới là việc tính toán tiêu nước mưa đã được Cơ quan Hợp
tác Quốc tế Nhật bản (JICA) lập dự án với việc phân chia thành phố thành 5
lưu vực tiêu nước mưa, được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 702/QĐ-TTg
ngày 19/6/2001. Dưa trên quyết định này, Thành phố đã triển khai hàng chục
dự án tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị như Nhiêu Lộc- Thị Nghè,
Tân Hóa- Lò Gốm, Kênh Đôi-Kênh Tẻ, Ba Bò- Vĩnh Bình, Tham Lương- Bến Cát-
Rạch Nước Lên v.v…Do chuyên gia Nhật bản căn cứ vào số liệu triều giai đoạn
trước 1999 nên định mực nước triều cao nhất tại các cửa tiêu thiên thấp
(1,3m) trong lúc triều tại Phú An từ năm 2000 liên tục vượt mức 1,4m và thậm
chí tháng 10/2007 đạt mức 1,49m. JICA không tiên liệu một công trình kiểm
soát triều nào trong lúc tình hình ngập triều cường trên thành phố từ 2002
đến nay trở nên ngày càng nghiêm trọng và nếu không hạ thấp mực nước triều
tại các cửa tiêu thì các dự án tiêu thoát nước sẽ bị phá sản- phá sản từ hệ
thống cống tiêu thoát, cốt san nền đến kiểm soát ngập mưa (không ngập quá
20cm tại điểm nào đó quá 30 phút). Hơn nữa một mối lo ngại là khi tất cả các
lưu vực đều đồng loạt thoát nước mưa ra kênh rạch và hệ thống sông ngòi thì
mực nước ở đây sẽ dềnh lên bao nhiêu và ảnh hưởng ngược đến đến quá trình
tiêu thoát nước mưa ra sao?
Trước tình hình đó, một Quy hoạch thủy lợi (chúng tôi nhấn mạnh chữ thủy lợi)
sẽ hỗ trợ việc tiêu thoát nước mưa từ các lưu vực tiêu của thành phố. Để làm
được việc đó cần thiết lập cả mạng lưới tính toán gồm kênh rạch, sông ngòi
toàn bộ hạ du Đồng Nai- Sài Gòn đến tận các ngõ ngách của thành phố. Trong
bài toán tính tiêu này ngoài mạng lưới kênh sông (gọi là tài liệu địa hình)
cần có các điều kiện biên gồm: biên triều lớn thiết kế tại các cửa sông,
biên lưu lượng lũ thượng lưu (xả lũ các hồ Trị An, Srok Phu miêng, Dầu Tiếng
với tần suất cỡ 100 năm, 200 năm/lần), biên lưu lượng mưa các cửa xả của các
lưu vực tiêu chảy vào hệ thống kênh – sông (gọi là bể tiêu).
Như vậy trận mưa với tần suất thiết kế (3 hoặc 5 năm mới xuất hiện trận mưa
lớn như thế) lên thành phố cộng thêm nước thải (lấy với hệ số 1,6-1,7 so với
mức trung bình ngày vì trận mưa lớn thường xẩy ra cỡ 5-7 giờ chiều cũng là
lúc dùng nước nhiều hơn) được tính tiêu thoát hết xuống bể tiêu. Thời gian
tiêu, chẳng hạn trận mưa dài 3 giờ thì sau 3 giờ 30 phút, tính từ lúc bắt
đầu mưa, là tiêu thoát hết. Chính việc tính biên tiêu nước này giải đáp câu
hỏi là khi đồng loạt tiêu thoát hết nước mưa (và cả nước thải giờ cao điểm)
thì mực nước trong kênh sông (bể tiêu) sẽ ra sao. Thật khủng khiếp khi chưa
kể xả lũ ở thượng lưu, mực nước tại Phú An đã dềnh lên đến mức 1,59m! Nếu xả
lũ có thể lên đến 1,70m.
Vậy cách hỗ trợ tốt nhất cho việc tiêu thoát nước mưa là với hệ thống công
trình ngăn triều cường (8 đến 12 cống và hệ thống bờ bao), tranh thủ tiêu
thoát nước dồn xuống ở pha triều thấp có thể hạ mực nước cửa xả xuống 0,5
đến 0,8m (tức mực nước bể tiêu không phải là 1,3m như của JICA mà chỉ còn
1,0m thậm chí 0,5m) và như vậy các dự án tiêu thoát nước của các tiểu lưu
vực sẽ bớt căng thẳng hơn, cốt san nền dự tính trong các dự án cho các tiểu
lưu vực này trở nên an toàn hơn.
Đó là cách tính toán tiêu thoát nước mưa trong bản Quy hoạch thủy lợi hỗ trợ
chống úng ngập thành phố.
TP.HCM 5/2008
TỔ CÔNG TÁC CHỐNG NGẬP