Theo Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến tổng kinh phí cho công tác quy hoạch thủy
lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM lên đến trên 11,5 ngàn tỷ đồng.
Trước mắt, để giảm ngập cho TP.HCM, cần triển khai các biện pháp kiểm soát
triều nhằm hạ thấp mực nước triều trên các kênh trục bao quanh vùng đô thị
cũ (gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè ); tăng cường khả năng
tiêu thoát của hệ thống công trình thoát nước đô thị cũ nằm trên địa hình
thấp.
Các giải pháp kiểm soát lũ, triều nhằm giải quyết bài toán chống ngập úng
cho toàn thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và hiện tượng nước
biển dâng trong tương lai cũng được tính đến.
Tình trạng ngập nước tại TP.HCM được dự báo đến năm 2011 mới có thể giảm. Ảnh: Trần Duy |
Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho khu vực TP.HCM xác định về lâu dài,
hướng thoát nước chính cho TP.HCM là hướng Bắc-Nam. Vì vậy, hệ thống kênh
trục thoát nước chính được xác định là các kênh theo hướng này. Trục kênh
Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - kênh Chợ Đệm sẽ được cải tạo, nạo vét, mở rộng,
làm nhiệm vụ tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam. Tuyến kênh Vàm
Thuật - Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã được thành phố phê duyệt đầu
tư nhằm khai thông tuyến, cải tạo khả năng tiêu, thoát.
Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo chính quyền thành phố hạn chế cho phép san lấp
các “hồ điều tiết” - bao gồm hệ thống kênh rạch và một số khu vực đất trũng.
Mục đích để có đủ dung tích dự phòng chứa lượng nước mưa rút ra từ trung tâm
thành phố nhưng không thể tháo ra sông được trong thời gian triều cường.
Vấn đề này đã được đề cập từ lâu. Các nhà khoa học tính toán, diện tích mặt
nước kênh rạch, ao hồ và vùng trũng thấp trữ nước tại TP.HCM phải được bố
trí hợp lý và không được nhỏ hơn 15% tổng diện tích toàn vùng.
Các vùng ngập tại TP.HCM bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành. Vùng
nội thành, ngập úng tập trung ở các khu vực địa hình thấp phía nam thành phố
và ven sông Sài Gòn như: Q.2, 6, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức.
Ở những khu vực này, thường xảy ra ngập úng cục bộ do mưa lớn tiêu thoát
không kịp và ngập do triều cường. Còn tại vùng ngoại thành, ngập lụt xảy ra
tập trung ở các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ - những huyện
nằm ven các con sông lớn và các trục tiêu thoát nước.
Những năm gần đây do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến khí
tượng thủy văn ngày càng bất lợi cho TP.HCM: triều cao, xâm nhập mặn, gió
bão.
Điển hình nhất là vào tháng 11/2007, mực nước triều ở trung tâm thành phố (Phú
An) cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, đã gây ngập lụt và thiệt hại cho
cả vùng nội thành và ngoại thành. Lượng mưa và hiện tượng ngập sâu ở khu vực
trung tâm thành phố trong cơn mưa chiều 1/8/2008 cũng được xem là “kỷ lục”.
Trần Duy
Nguồn Vietnamnet