Thời gian gần đây, cái tên “làng ung thư” xuất hiện ngày càng nhiều, từ “làng ung thư” đầu tiên được phát hiện ở Thạch Sơn (Phú Thọ), đến Đông Lỗ - Ứng Hòa (Hà Tây), rồi đến Hải Phòng và tiếp tục rộ lên ở Quảng Ninh, Thanh Hóa… Thực trạng này khiến dư luận hết sức quan tâm, lo ngại. Chưa bao giờ, từ Bắc tới Nam, căn bệnh ung thư quái ác lại xuất hiện nhiều đến như vậy. Vì sao lại có thực trạng này?
Môi trường ô nhiễm: "Bạn đồng hành" của bệnh ung thư
|
Dòng nước đen ngòm và hôi thối từ Khu Công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) đổ trực tiếp ra rạch Sang Trắng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh khu công nghiệp này (Ảnh: Nhật Chánh) |
Theo thống
kê của Bộ Y tế, hàng năm cả nước có gần 200.000 người bệnh bị bệnh ung thư
mới phát hiện. Riêng Bệnh viện K Hà Nội, một trong những trung tâm hàng đầu
về điều trị căn bệnh này của cả nước, trong vòng 5 năm lại đây, mỗi năm tiếp
nhận bình quân 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và có 70.000 người đã
chết vì căn bệnh này (trên phạm vi cả nước).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh ung thư ngày càng gia tăng, theo đánh
giá tổng hợp của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên- Môi trường, chính là do môi
trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng. Và thủ phạm gây ra tình trạng
này không ai khác chính là con người với ý thức bảo vệ môi trường sống còn
quá yếu kém. Khảo sát của Bộ Tài nguyên- Môi trường tại địa bàn xã Thạch Sơn
(Phú Thọ), một trong những xã dẫn đầu cả nước về số người bị chết trong vòng
10 năm qua (có 137 người bị chết vì ung thư), cho thấy: Hầu hết nguồn nước ở
tất cả các giếng khoan đào ở đây đều có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép.
Một số mẫu rau ở cạnh các bãi xỉ Pyrits của Công ty Hóa chất Lâm Thao liền
kề có hàm lượng thạch tín vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần...
Nhiều nhà khoa học cũng khẳng định “làng ung thư” xuất hiện ngày
càng nhiều là do môi trường sống bị xuống cấp. Nguyên nhân là do nhiều nơi
đua nhau xây dựng ồ ạt các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), cụm
công nghiệp (CCN) tập trung mà chưa tính hết đến vấn đề ô nhiễm môi trường
cũng như các giải pháp để hạn chế tình trạng này. Hiện tại, cả nước có hàng
trăm KCN-KCX. Nhờ có những KCN- KCX mà tăng trưởng kinh tế của cả nước nói
chung, của từng địa phương nói riêng đã có bước nhảy vọt thần kỳ. Song, cũng
chính việc cho ra đời ồ ạt các KCN-KCX nêu trên, với việc sử dụng quá nhiều
dung môi, hóa chất độc hại mà không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đã
làm cho nguồn nước, không khí ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Thêm vào đó,
tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện các loại hóa chất trong trồng trọt,
chăn nuôi cũng làm ảnh hưởng đến sản phẩm, ô nhiễm nguồn nước.
Về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Duy Bảo - Phó Viện trưởng Viện Y học lao động và
Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế)- cảnh báo: “Tại các KCN, nguy cơ gây bệnh
ung thư cao là do việc sử dụng những hóa chất mới mà không hề chú ý đến vấn
đề ô nhiễm môi trường”. Chính sự coi nhẹ những tác động môi trường kéo
dài từ năm này qua năm khác, cứ thế các chất thải thấm dần xuống lòng đất,
gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất ngày càng nặng nề,
ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Trong khi đó, ở những nước
công nghiệp phát triển như Nhật Bản, từ những năm 1950 của thế kỷ trước đã
rút ra được những bài học cay đắng do phát triển kinh tế quá nóng mà không
chú trọng đến môi trường. Hậu quả là nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư gia
tăng và chi phí khắc phục tình trạng này rất cao, gấp nhiều lần so với số
tiền bỏ ra để phòng ngừa từ ban đầu.
Các KCN-KCX-CCN ngày càng mọc nhiều, đi liền với việc ô nhiễm môi trường do
hóa chất độc hại, còn là ô nhiễm môi trường do khói bụi. Có thể nói, hiện
nay đi bất kỳ thành phố lớn hay KCN-CCN- KCX nào trong cả nước, cảnh đầu
tiên mà nhiều người dễ dàng bắt gặp chính là tình trạng bụi, khói đến mức
ngột ngạt, khó chịu. Đây cũng chính là điểm khác biệt rõ nét trong phát
triển kinh tế nói chung, phát triển các khu đô thị, KCN-KCX nói riêng của
chúng ta so với các nước phát triển. Nếu ở vùng ĐBSCL có khái niệm “sống
chung với lũ” thì giờ đây ở nhiều thành phố, nhiều KCN-CCN- KCX nhiều
người đã và đang phải từng ngày, từng giờ “sống chung với bụi, với ô
nhiễm môi trường” (!) Theo khuyến cáo của các chuyên gia y học, nếu các
KCN-CCN- KCX , các cơ sở sản xuất không chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm thì
tới đây sẽ còn xuất hiện nhiều “làng ung thư” trên cả nước.
Thạch tín: "Thủ phạm nguy hiểm"
Ô nhiễm môi
trường do hóa chất độc hại từ các KCN, nhà máy, cơ sở sản xuất; khói bụi tại
các đô thị mang lại đang được xem là một trong những nguyên nhân gây nên căn
bệnh ung thư ngày càng nhiều. Cạnh đó, còn có một mối đe dọa rất nguy hiểm
tại các làng quê là tình trạng nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt và tưới
tiêu ngày càng ô nhiễm lượng asen (thạch tín) quá nồng độ cho phép.
Theo ông Lê Huỳnh Bắc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường nước (Bộ Tài
nguyên- Môi trường), tình trạng asen trong nước ngầm đã được một nhà khoa
học của Việt Nam quan tâm làm đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học từ
những năm 1993, khi khảo sát hệ thống nước ngầm ở phía nam thành phố Hà Nội.
Tiếp đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nhận thấy đặc thù địa chất
Việt Nam khá giống với Bangladesh – nơi mà asen đã gây ra một thảm họa sức
khỏe kinh hoàng cho con người, và đã có khuyến cáo đối với chúng ta. Nhưng
không hiểu vì lý do gì khuyến cáo này lại không được các cơ quan chức năng
chú trọng.
Khi căn bệnh ung thư xuất hiện ngày càng nhiều ở các làng quê, mà tác nhân
chính là nguồn nước bị ô nhiễm chất asen khá nặng, nhiều nhà khoa học đã bắt
đầu tiến hành công cuộc khảo sát. Kết quả của công trình khảo sát mới đây
cho thấy, ô nhiễm asen hiện đang khá phổ biến ở cả 3 miền Bắc - Trung – Nam.
Song, khu vực Đồng bằng Nam bộ và Bắc bộ là có độ nhiễm nặng nhất. Duy chỉ
có TP Hồ Chí Minh là chưa chính thức xác định có asen trong nguồn nước ngầm
hay không.
Tuy nhiên, vì chưa thể công bố rộng rãi việc ô nhiễm asen trong nước sinh
hoạt, nên hầu hết người dân không biết và đã sử dụng nguồn nước ô nhiễm
trong thời gian dài, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư
vì chất độc asen. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cách tốt nhất để
phòng chống bệnh tật và ung thư là mỗi năm cần đem mẫu nước trước khi sử
dụng đến các trung tâm, cơ quan có thẩm quyền đề nghị được xét nghiệm mẫu
nước 2 - 3 lần. Nhưng đó không phải là chuyện đơn giản. Đối với cư dân thành
thị, việc làm này có thể không mấy khó khăn, nhưng với nhiều cư dân nông
thôn thì đây là yêu cầu khó thực hiện. Thiết nghĩ, UBND cấp xã, phường nên
có trách nhiệm mỗi năm lấy 1- 2 đợt các mẫu nước trong khu vực cư dân mình
đang sống để mang đến các cơ quan xét nghiệm, nhằm sớm phát hiện những tác
nhân độc hại, bảo vệ sức khỏe cho dân.
Còn ở tầm xa hơn, để không xảy ra những “làng ung thư” như hiện tại,
cách tốt nhất là toàn xã hội phải nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh
công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là không sử dụng hóa chất bừa bãi trong
sản xuất, chăn nuôi; không thải các loại hóa chất độc hại ra môi trường; có
quy trình xử lý các chất thải, nước thải theo đúng tiêu chuẩn; tích cực cải
thiện môi trường sống bằng việc trồng nhiều cây xanh... Nếu không thực thi
đồng bộ các giải pháp này, môi trường sống sẽ ngày càng tồi tệ khi chúng ta
đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Căn bệnh ung thư và
những “làng ung thư” sẽ còn mọc lên nhiều. Đó là cái giá quá đắt
không thể chấp nhận trong quá trình phát triển.
ĐỨC HẠNH