Một công trình nghiên cứu KH&CN khi kết thúc trực tiếp làm ra bao nhiều tiền;
hoạt động KH&CN đóng góp như thế nào cho sự tăng trưởng GDP của đất nước?
Những câu hỏi tương tự một lần nữa xuất hiện và làm nóng hội thảo khoa học “Thực
trạng quản lí và chi KH&CN giai đoạn 2001-2005, những vấn đề đặt ra trong công
các tổ chức và quản lí hoạt động KH&CN” do Kiểm toán Nhà nước và Bộ KH&CN phối
hợp tổ chức ngày 9/8/2006.
Thay vì trả lời những câu hỏi trên, Ts. Phạm Hữu Giục - Vụ trưởng Vụ KH&CN các
ngành kinh tế - kĩ thuật (Bộ KH&CN) đưa ra ví dụ: Vào những năm giữa thập kỉ 90,
do trồng điều không có hiệu quả, nông dân bắt đầu chặt hoặc bỏ mặc cây điều.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của trên 250 nghìn hộ, với gần 2 triệu
nhân khẩu vốn chỉ biết trồng điều làm kế sinh nhai. Chính phủ yêu cầu các ngành
khoa học phải tập trung giải quyết vấn đề này. Những nghiên cứu về giống, nhân
giống, kĩ thuật canh tác... đã được nghiên cứu và kết quả cho đến nay ngành điều
đã sống lại với kim ngạch xuất khẩu trên 400 triệu USD, giải quyết công ăn việc
làm cho 500 nghìn lao động trồng trọt và 100 nghìn lao động chế biến.
Ngoài cây điều, nhiều lĩnh vực khác cũng có bước chuyển thần kì nhờ đầu tư vào
nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kĩ thuật. Xuất khẩu thủy sản năm 2005
đạt 2,5 tỉ USD và vẫn đang trên đà gia tăng. Nhớ lại những năm 80 của thế kỉ
trước, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch được đưa ra để phát triển thủy sản, song
xuất khẩu thủy sản lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào đánh bắt ven bờ hầu như không
đáng kể. Cũng vào thời gian này, các nhà khoa học bắt đầu tập trung nghiên cứu
để tạo lập ngành nghề mới là nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Kể từ khi các nhà
khoa học nghiên cứu thành công và chuyển giao cho sản xuất công nghệ sinh sản
nhân tạo và kĩ thuật nuôi cao sản tôm, cá, nhuyễn thể 1 và 2 mảnh vỏ thì thực sự
có sự bùng nổ về xuất khẩu thủy sản và kim ngạch liên tục tăng trong vòng 15 năm
qua.
Năm 2003, chúng ta thành công về công nghệ sinh sản nhân tạo cua (có tỉ lệ thành
công hàng đầu thế giới) và công nghệ nuôi cua cao sản. Đến nay đã có 17/27 tỉnh,
thành phố có biển tiếp thu công nghệ này và xây dựng trại sinh sản cua nhân tạo.
Các chuyên gia dự báo, trong vòng 10 năm tới, doanh thu của nghề nuôi cua xuất
khẩu có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nhờ bám sát nhu cầu thực tiễn đã thành
công trong việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật và công nghệ thích hợp, mang lại
hiệu quả kinh tế lớn như: kỹ thuật robot, giải mã gene người và động vật, công
nghệ khai thác mỏ, kỹ thuật hạt nhân, quy trình công nghệ tạo giống cây trồng (lúa),
vật nuôi (lợn, gia cầm, một số đối tượng thủy sản) có năng suất và chất lượng
cao,....
Cùng quan điểm này, Pgs.Ts. Đỗ Huy Định - giám đốc công ty APP cho biết, 5 năm
qua (2001-2005), hoạt động KH&CN ở các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN và cộng đồng
đã có đóng góp nhất định vào việc hoàn thành các nhóm mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học là một hoạt
động có nhiều đặc thù, không phải nhiệm vụ nào cũng thành công và không phải kết
quả nghiên cứu khoa học nào cũng có thể định giá được. Đơn cử như trường hợp
Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có sự trưởng thành vượt bậc, so với
năm 2001 doanh thu năm 2005 tăng gấp 5,46 lần, sản lượng tăng 5,92 lần. Chỉ
trong vòng 10 năm, từ chỗ chỉ đóng tàu loại 3.850DWT, hiện nay đã đóng thành
công series tàu chở hàng 15.000DWT. Mới đây Vinashin đã hạ thủy tàu chở hàng
53.000DWT và đang đóng mới tàu chở dầu thô 100.000DWT. Vinashin đang phấn đấu
đến năm 2010 mỗi năm đóng mới tàu xuất khẩu trị giá 1 tỉ USD, với tỉ lệ nội địa
hóa đạt 60%... Những thành công trên có sự đóng góp của nhiều lĩnh vực KH&CN
khác nhau.
Ts. Đỗ Huy Định cho rằng, để tạo hiệu quả cho hoạt động KH&CN cao hơn và đóng
góp cho sự phát triển kinh tế, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới chính sách đầu tư
tài chính đối với hoạt động KH&CN. Đó là công cụ quản lí có tính quyết định tạo
ra động lực và môi trường khuyến khích và là “bà đỡ” cho hoạt động nghiên cứu
khoa học. Việc phân bổ tài chính, giao kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN,
định mức chi tiêu, thu nhập, tiền lương, tiền thưởng, quyền sở hữu tài sản trí
tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu... cần được tính toán hợp lí sao cho
có tác dụng khuyến khích cán bộ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, việc xã hội
hóa hoạt động KH&CN là rất cần thiết, để đến năm 2010 vốn đóng góp của xã hội
chiếm 50% tổng vốn chi cho KH&CN cả nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy khi
nguồn lực của đất nước còn hạn chế thì việc huy động các nguồn vốn khác ngoài
ngân sách cho KH&CN là không thể thiếu được và nguồn vốn này đóng vai trò quyết
định trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Thông qua các chính
sách ưu đãi như dãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, các ưu đãi về thuế… để tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp tìm đến và đồng hành cùng nhà khoa học cũng như để kết quả
nghiên cứu nhanh chóng được doanh nghiệp đón nhận. Đặc biệt, khi thực hiện việc
chuyển đổi các tổ chức KH&CN thì phần đầu tư từ ngân sách sẽ giảm (còn khoảng
50%), thì việc bảo đảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN phụ thuộc rất nhiều vào
sự hưởng ứng của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển, số 33 (17-23/8/06)