Tại Hội nghị giao ban ngành khoa học-công nghệ (KH-CN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ KH-CN yêu cầu các tỉnh trong vùng quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực ở các địa phương. Việc làm trên nhằm thúc đẩy KH-CN trong vùng đáp ứng kịp xu thế hội nhập.
Ngày 07/11, tại Thị Xã Tân An, Long An, Bộ KH-CN cùng với UBND tỉnh Long An đã tổ chức hội nghị giao ban ngành KH-CN các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng cùng đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ.
Về phía địa phương có đại diện UBND, Sở KH-CN của 13 tỉnh khu vực ĐBSCL; Thành Phố Hồ Chí Minh; hai tỉnh Bình thuận và Bình Phước.
Phát biểu trước hội nghị, Thứ truởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng đánh giá: “ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn về nông, ngư nghiệp so với cả nước. Hàng năm khu vực này sản xuất trên 50% tổng sản lượng lương thực cả nước. Hiện vùng này có đến 0,7 triệu ha, trong tương lai có thể lên đến trên 1 triệu ha”.
Mặc dù vậy, tiềm lực ở vùng ĐBSCL vẫn chưa được phát huy hết.
Ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long An nêu nhận xét:"Tại ĐBSCL, nói đến lúa gạo, hoa quả, cá tôm thì đứng hàng đầu nhưng học hành thì... đứng chót! Một xứ sở được mệnh danh là gạo trắng nước trong, đồng ruộng cò bay thẳng cánh, ấy vậy mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn là một trong những vùng cao nhất nước!”.
Theo đánh giá chung tại Hội nghị, tiềm lực KH-CN ở hầu hết các tỉnh trong vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được các các hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH-CN.
Ngân sách hàng năm đầu tư cho KH-CN của các tỉnh, thành đều chưa đạt mức 1% tổng chi ngân sách các địa phương. Trong khi đó, cơ sở vật chất các cơ quan sự nghiệp và dịch vụ KH-CN còn rất hạn chế, cơ quan nghiên cứu chuyển giao không nhiều; mạng lưói thông tin KH-CN của vùng chưa được xây dựng.
Một bộ phận đáng kể cán bộ, dảng viên còn chưa thấy được vai trò vị trí quan trong của KH-CN đối với phát triển kinh tế - xã hội nên chưa coi trọng việc gắn hoạt đông KH-CN với phát triển kinh tế.
Trước tình hình trên, Bộ KH-CN đề nghị các tỉnh vùng ĐBSCL nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH-CN đối với đời sống hiện nay; kiện toàn tổ chức trong nôi bộ ngành; nhanh chóng thành lập các Trung tâm tin học và thông tin ở các địa phương để hiện đại hoá công tác thông tin KH-CN trên địa bàn
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các tỉnh vùng ĐBSCL đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản trong vùng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường - chất lượng, quản lý công nghệ, sở hửu trí tuệ, nhất là trong bôi cảnh hội nhập hiện nay; quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực ở các địa phương, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực từ các cơ quan trung ương về giúp các tỉnh…