Bảo vệ môi trường: Chưa nghiêm,
hiệu quả kém
(VietNamNet)- Ngày 7/12, tại Hà
Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc
gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực thẳng thắn nhìn nhận, công tác bảo vệ môi
trường còn nhiều yếu kém.
Nhìn chung, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời gian qua
chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả kém. Trong số hàng ngàn dự án đã được phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần lớn không thực hiện đầy đủ các yêu
cầu bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng
không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó. Hiện có đến 70% các khu công nghiệp
không có hệ thống xử lý nước thải, 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ
không xử lý nước thải; thu gom xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại
còn rất tự phát, phần lớn vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Các hành vi vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được phản ánh nhưng đến nay chưa có vụ
nào được đưa ra xử lý hình sự. Từ năm 2006, đã có quy định sử dụng nguồn ngân
sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1%, nhưng các nội dung
và chế độ chi tiêu của sự nghiệp môi trường vẫn theo hướng dẫn của thông tư liên
tịch số 15/2005 cho nên nhiều bộ ngành, nhất là các địa phương còn lúng túng
trong việc sử dụng kinh phí này, thậm chí còn bố trí không đúng nguồn chi. (Theo
TTXVN, 7/12)
Bộ trưởng Mai Ái Trực nói, bảo vệ mội trường (BVMT) là công việc đầy khó khăn,
phức tạp. Đây thực chất là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu; giữa lợi ích
cộng đồng (lợi ích chung) với lợi ích riêng (lợi ích cục bộ); giữa lợi ích lâu
dài với lợi ích trước mắt...
Liên quan đến vấn đề BVMT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực Đánh giá cho biết,
trong thời gian qua, có những yếu tố thuận lợi cơ bản: Hệ thống pháp luật được
hoàn thiện, trong đó Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và các
văn bản hướng dẫn.
Tiếp đến, trong kế hoạch Kinh tế Xã hội hàng năm đã nêu rõ 3 mục tiêu rõ ràng là
kinh tế, xã hội và môi trường.
Một điều ghi nhận nữa, kể từ năm 2006 Quốc hội đã dành 1% ngân sách để chi cho
việc bảo vệ môi trường (BVMT). Và, 3 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã
'bước đầu khởi động' trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, nhìn một cách tổng quát, những cố gắng đó
ở mức còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu mà Chiến lược Bảo vệ môi
trường Quốc gia đặt ra.
Cụ thể, tình trạng ô nhiễm còn tiếp tục gia tăng.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do từng Bộ, ngành, địa phương, cơ sở
và mỗi doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác BVMT. Hơn nữa, vấn đề
BVMT chưa được đặt ra 1 cách đầy đủ và nghiêm túc trong các chương trình nghị
sự, trong các kế hoạch công tác của các bộ, ngành, địa phương.
Để tiếp tục thực hiện chiến lược BVMT trong những năm tới, Bộ trưởng Mai Ái Trực
yêu cầu, cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương và cơ sở
trong công tác BVMT.
![]() |
Công tác xử lý chất thải môi trường sẽ được kiểm
soát chặt chẽ trong thời gian tới
(Ảnh: Kiều Minh)
Đồng thời, Bộ TN&MT và các cơ quan
quản lý môi trường tăng cường việc kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện nhiệm
vụ BVMT của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, phải thực hiện
cưỡng chế thi hành pháp luật về BVMT đối với các doanh nghiệp đang gây ra ô
nhiễm, hoặc có nguy cơ gây ra ô nhiễm.
Bộ trưởng Trực cũng yêu cầu, tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT bao gồm: bố
trí bộ máy cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ BVMT; sử dụng đúng đầy đủ 1% ngân
sách dành cho sự nghiệp môi trường đi đôi với huy động các nguồn lực khác trong
các doanh nghiệp và nhân dân theo tinh thần xã hội hoá về BVMT.
Một việc rất quan trọng nữa là tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
về BVMT. 'Một chuyên gia về môi trường đã nói thế này: Đối với môi trường,
chúng ta đừng nói đã mất gì mà hãy nghĩ xem chúng ta còn gì trong tương lai để
mà gìn giữ, bảo vệ. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng còn gì để mà mất nữa'- Bộ
trưởng Trực nói.
Kiều Minh
Nguồn VietNamnet