Liên kết khoa học-đào tạo-sản xuất
là một trục xuyên suốt không thể tách rời. Khẩu hiệu được đưa vào nhiều văn bản
nhưng chưa được thể chế hoá thành chính sách cụ thể mà chủ yếu được thực hiện
thông qua các nhiệm vụ cụ thể, các hợp đồng giữa các viện và trường ĐH. Thứ
trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Mạnh Hải nhận xét.
Bộ GD-ĐT dự định đề xuất với Bộ Khoa học Công nghệ ý tưởng tích hợp viện nghiên
cứu không thuộc ĐH vào các trường ĐH. Dưới đây, VietNamNet ghi nhận một số ý
kiến từ những người làm công tác quản lý khoa học cho vấn đề này.
Cách đây nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu về sự liên kết giữa
viện và trường. Sự liên kết khoa học-đào tạo-sản xuất là một trục xuyên suốt
không thể tách rời, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, công
nghệ.
Đó là khẩu hiệu được đưa vào nhiều văn bản nhưng chưa được thể chế hoá thành
chính sách cụ thể mà chủ yếu được thực hiện thông qua các nhiệm vụ cụ thể, các
hợp đồng giữa các viện và trường ĐH.
Hiện nay, chúng ta có 3 kiểu liên kết. Trước hết là liên kết trong lĩnh vực khoa
học cơ bản. Đây là sự liên kết rất tốt. Nhiều kết quả của các đề tài, chương
trình nghiên cứu cơ bản đã được đưa vào chương trình đào tạo ĐH và Sau ĐH. Các
nhà khoa học từ các viện nghiên cứu cũng tham gia quá trình đào tạo đó.
Thứ hai là liên kết thông qua các đề tài, dự án trọng điểm. Đây là hình thức tập
hợp lực lượng của các Viện và trường thông qua những mục tiêu của dự án.
Thứ ba là hình thức liên kết mang tính tự thân. Các nhà nghiên cứu đến giảng dạy
ở các trường ĐH. Các giáo viên ở trường ĐH lại đến tham gia nghiên cứu và đào
tạo ở các viện.
Những hình thức đó tạo nên cơ chế sinh động và linh hoạt và dựa trên cơ sở những
nhiệm vụ cụ thể, những công tác cụ thể về đào tạo, thử nghiệm, thí nghiệm, sản
xuất kinh doanh, dịch vụ.
Có những nước thì viện nghiên cứu nằm trong trường ĐH, có nước thì viện nằm độc
lập bên ngoài như một doanh nghiệp khoa học công nghệ. Vì thế, sự gắn kết đó
không bắt buộc phải gượng ép theo kiểu hành chính mà phụ thuộc vào điều kiện
từng nước.
Các trường ĐH ở nước ngoài thường là trường đa ngành, đa lĩnh vực nên có thể bao
gồm rất nhiều viện nghiên cứu. Hiện nay chúng ta cũng đang hướng tới mô hình đó.
Nhưng đồng thời các viện nghiên cứu độc lập vẫn phát huy hiệu quả, phục vụ trực
tiếp cho sản xuất của các Bộ, các ngành. Các viện nghiên cứu về cơ chế, chiến
lược cho các ngành thì phải tham mưu cho ngành chứ không cần đưa vào các trường
ĐH.
Tôi thấy ở nhiều nước, như Trung Quốc chẳng hạn, có rất nhiều viện nghiên cứu
không nằm trong các trường ĐH mà nằm trong các công ty hoặc là hoạt động như một
doanh nghiệp độc lập.
Để tích hợp viện nghiên cứu với trường ĐH thì phải thực hiện một số biện pháp
sau:
Thứ nhất là tạo cơ chế kiêm nhiệm, để cán bộ khoa học ở các viện nghiên cứu có
thể kiêm nhiệm là giảng viên ở các trường ĐH và ngược lại, cán bộ giảng dạy ở
trường ĐH đồng thời là cộng tác viên của các viện nghiên cứu.
Thứ hai là đẩy mạnh cơ chế hợp tác thông qua các dự án cụ thể hoặc các phòng thí
nghiệm hỗn hợp giữa viện và trường.
Thứ ba là xây dựng chương trình liên kết cụ thể.
Lẽ ra, phải có sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường ĐH và doanh nghiệp. Sự
liên kết 3 bên này sẽ tạo ra một sân chơi có tiếng nói chung, có sự hiểu biết về
cơ chế và nhu cầu của nhau, trên cơ sở đó “đặt hàng” lẫn nhau. Đó là mô hình xây
dựng hệ thống đổi mới quốc gia và hiện đang được nhiều nước trên thế giới thực
hiện.
Trao giải cho các nhà nghiên cứu khoa học ngày 31/12/2006 |
Trao giải cho tác giả đề tài
nghiên cứu khoa học ngày 31/12/2006. Ảnh: Lan Hương
GS.TSKH Trần Duy Quý (Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp VN): Nhiệm vụ của
giảng viên trước hết là giảng dạy, rồi đến nghiên cứu. Trước đến nay nhà nghiên
cứu độc lập với giảng dạy nên không truyền đạt được kiến thức mới cho SV dẫn đến
sự lãng phí chất xám. Giáo viên thì thiếu kiến thức thực tiễn. Vì thế, chủ
trương thành lập các viện nghiên cứu trong trường ĐH là rất đúng đắn. Các nhà
nghiên cứu cũng có thể thông qua công tác giảng dạy để được công nhận chức danh.
Sự liên kết viện-trường ở nước ta từ trước đến nay còn lỏng lẻo. Vì vậy cần có
sự chuyển đổi mạnh hơn nữa.
Đề xuất “tích hợp” viện nghiên cứu và trường ĐH là một chủ trương tốt vì sẽ
không gây xáo trộn lớn về tổ chức. Các đề tài nghiên cứu muốn được duyệt phải ít
nhất đào tạo được 1 TS hoặc vài thạc sỹ. Muốn vậy, các nhà khoa học phải tham
gia giảng dạy ở các trường và đưa đề tài nghiên cứu gắn với các trường.
Vừa qua, Viện Khoa học Nông nghiệp VN đã có quy định bắt buộc đề tài của các
nghiên cứu sinh thuộc viện đều phải gắn với một trong những đề tài trọng điểm
cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước. Việc này dẫn đến hai mặt lợi. Thứ nhất là đề tài
nghiên cứu gắn với thực tiễn. Thứ hai là có kinh phí để đào tạo có chất lượng.
Lâu nay, do không có đủ kinh phí mà chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh của ta
chưa tốt như các nước.
Nhưng nếu “tích hợp” được các cơ sở đào tạo và nghiên cứu thì sẽ đào tạo những
SV, nghiên cứu sinh với những luận án có chất lượng cao về khoa học và ý nghĩa
thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuất (Viện trưởng Viện nghiên cứu cây lương thực và cây thực
phẩm): Chúng tôi có liên kết với một số trường như ĐH Cần Thơ, ĐHQG Hà Nội, ĐH
Nông nghiệp I... Sự liên kết này thông qua hợp đồng kỹ thuật ban đầu, lựa chọn
những vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi thường xuyên liên lạc bằng email.
Trường gửi SV đến thực tập tại phòng thí nghiệm, tham gia đáng giá và khảo sát
chế phẩm. Đó là cách thức học rất hiệu quả thông qua các đề tài, dự án. Một số
SV học tập tốt đã được giữ lại làm việc tại viện.
Sự liên kết này tập hợp được các nhà khoa học. Các giảng viên rất mạnh về lý
thuyết còn các nhà nghiên cứu lại có ưu thế về thực nghiệm. Bên cạnh đó, có thể
tập hợp được SV - đội ngũ nhân lực trẻ ham học hỏi, nhiệt tình, say mê và nhanh
chóng nắm bắt kỹ thuật mới. Đây cũng là cơ hội để SV được tiếp xúc thực tế.
Ở nước ta vẫn tách bạch các ngành, giáo dục riêng, nghiên cứu riêng, nhưng những
năm gần đây cũng đã có sự đan xen. Nhiều trường ĐH mời các nhà nghiên cứu về làm
giáo viên thỉnh giảng và đề tài nghiên cứu cũng được giao cho cán bộ giảng dạy
rất nhiều.
Nguồn: VietNamnet