|
Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc
tế trong xây dựng nguồn nhân lực KH&CN nước ta, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức
có liên quan cần xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế về KH&CN của Việt Nam với
các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự nghiệp phát triển KH&CN. Đại hội X của Đảng
tiếp tục khẳng định: Phát triển KH&CN cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là
quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Hơn bao giờ hết, vấn đề hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực KH&CN
của Việt Nam đang được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư toàn diện. Đây chính là
động lực góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nước nhà về KH&CN phục vụ hội
nhập quốc tế.
Cơ hội và thách thức về KH&CN đối với Việt Nam
Cơ hội: Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa
dạng hoá quan hệ quốc tế, nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức KH&CN,
các nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý tiên tiến của nước ngoài để nhanh
chóng tăng cường năng lực KH&CN quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -
xã hội. Tận dụng những thành tựu của cách mạng KH&CN hiện đại, nước ta có thể đi
thẳng vào những công nghệ hiện đại để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện
đại hoá và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước. Quá trình
đổi mới đất nước đã tạo ra những tiền đề mới cho sự phát triển KH&CN của nước ta
trong thời gian tới. Nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục
trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư cho phát triển KH&CN,
đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng thành tựu KH&CN trong nền kinh
tế, nhất là trước sức ép về cạnh tranh trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc
tế.
Thách thức: Thách thức lớn nhất đối với sự phát triển KH&CN nước ta hiện nay là
phải nhanh chóng nâng cao năng lực KH&CN để thực hiện rút ngắn quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện nước ta còn nghèo, vốn đầu tư
hạn hẹp, trình độ phát triển kinh tế và KH&CN còn khoảng cách khá xa so với
nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, lợi thế về nguồn tài nguyên thiên
nhiên, giá lao động rẻ dần nhường chỗ cho lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ
chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo. Nếu không sớm chuyển đổi cơ cấu ngành
nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng lao động sẽ không có
khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư và các công
nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Trước những cơ hội và thách thức trên đây, nếu
không có những quyết sách đột phá về đổi mới thể chế kinh tế và cơ chế quản lý
KH&CN, những biện pháp mạnh mẽ tăng cường năng lực KH&CN quốc gia, thì nguy cơ
tụt hậu về kinh tế và KH&CN ngày càng xa là khó tránh khỏi.
Hợp tác quốc tế giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN
Hiện tại, năng lực KH&CN của Việt Nam còn yếu, thiếu cán bộ đầu ngành, đặc biệt
là thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Đầu tư cho KH&CN của xã hội còn
thiếu cả về lượng và chất. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu
cầu đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, đặc biệt là các ngành mũi nhọn
và các ngành khoa học mới. Thiếu sự liên kết hữu cơ giữa công tác nghiên cứu
khoa học, giáo dục đào tạo với thực tế sản xuất kinh doanh. Thị trường công nghệ
chưa phát triển, các cơ chế chính sách về lĩnh vực này còn bỏ ngỏ hoặc chưa
thống nhất, thiếu chặt chẽ. Để phát triển nguồn nhân lực KH&CN một cách nhanh
nhất và bắt kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, cần ưu tiên
đầu tư cho hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đây là con đường nhanh
nhất giúp nước ta có thể đi tắt đón đầu các thành tựu mới của thế giới. Với cơ
sở hạ tầng và trình độ KH&CN ở nước ta hiện nay, để có thể xây dựng được hệ
thống chương trình khung đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao sẽ gặp rất
nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực
KH&CN rất cần thực hiện song song đào tạo hai nhóm nhân lực sau:
Nhóm I: Các kỹ sư, công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề về KH&CN. Đây là nhóm đối
tượng lao động chính, trực tiếp tham gia các chương trình, dự án của quốc gia.
Nhóm này có số lượng lớn, thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Nhóm
II: Đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao cấp, chuyên thực hiện nghiên cứu, sáng
tạo và giảng dạy về KH&CN.
Tạo dựng môi trường kinh tế, xã hội thuận lợi cho phát triển hợp tác quốc tế về
đào tạo nguồn nhân lực KH&CN sau đại học… Đa dạng hoá các loại hình hợp tác đào
tạo quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của các đơn vị khác nhau trong nền kinh
tế quốc dân. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích quá trình hợp
tác quốc tế về KH&CN trình độ cao trong thời gian tới.
Tạp chí Hoạt động Khoa học