Khoa học
công nghệ thủy lợi
phục vụ
phát triển bền vững
Tin nổi bật
Đảng bộ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Đại hội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030. Lễ công bố Quyết định và trao tặng bằng Tiến sĩ đợt 1 năm 2025 tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Việt Nam-Trung Quốc hợp tác giải quyết thách thức về nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long Hội thảo Quốc tế -Tuần Lễ Môi Trường và Biến Đổi Khí Hậu tại Việt Nam 2025 (Tuần lễ MTT Việt Nam) Vietnam Environmental and Climate Change Engagement Week 2025 (MTT Week 2025) Công đoàn Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức họp mặt kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025) và 1985 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hội thảo cuối kỳ Đề tài khoa học cấp Tỉnh : Tiềm năng, giải pháp quản lý nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam làm việc với Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh Mời tham gia khảo sát Dự án “Trao quyền thay đổi: Tiếp cận toàn diện để hành động vì khí hậu, phát triển bền vững và chuyển đổi hành vi dành cho nữ học giả tại TP. Hồ Chí Minh” Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Diễn đàn "Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức tại Cần Thơ
Tin tức > Tin tổng hợp

Anhthe_LeManhHung.jpg

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng

Sau một thời gian thực hiện khẩn trương, dự án “Qui hoạch thủy lợi chống ngập úng cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh”, do Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì đã đi đến những công đoạn sau cùng. Nhân dịp này, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (KHTLMN), cơ quan được Bộ Nông nghiệp &PTNT giao chủ trì tổ chức thực hiện dự án này...

PV: Thưa PGS-TS Lê Mạnh Hùng! Giải pháp chống ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh mà Viện KHTLMN chủ trì là tập trung kiểm soát lũ và triều cường theo phân vùng bằng hệ thống đê bao và cống ngăn triều. Cơ sở khoa học nào để lựa chọn giải pháp đó, thưa ông?


PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Hiện tượng ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt nguồn từ 3 yếu tố: Lũ, triều cường và mưa tại chỗ. Những năm gần đây tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm cho không gian chứa lũ bị co lại, sông rạch bị bồi lấp, hệ thống tiêu, thoát nước quá tải và xuống cấp, dẫn đến cao trình triều bị đẩy lên, tốc độ truyền triều cao hơn, thời gian lưu triều dài hơn gây nên ngập lụt kéo dài trên diện rộng vào mùa mưa và triều cường. Sau khi nghiên cứu các điều kiện khách quan và chủ quan gây ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đã đưa ra ba phương án. Thứ nhất là xây dựng một tuyến đê và hệ thống cống ngăn triều cường từ ngoài biển Cần Giờ. Ưu điểm của phương án này là giải quyết triệt để việc xâm nhập của triều cường, tạo ra những khu vực chứa lũ, khắc phục triệt để hiện tượng ngập úng trong thành phố. Tuy nhiên, nếu triển khai theo phương án này thì toàn bộ hệ thống giao thông đường thủy sẽ bị ảnh hưởng nặng, nhiều tuyến bị tê liệt. Hệ thống cảng sông, cảng biển buộc phải dời hết ra bên ngoài. Vùng rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển quốc gia ở Cần Giờ sẽ bị xóa sổ. Ngoài việc tiêu tốn một nguồn ngân sách khổng lồ, sẽ làm đảo lộn môi trường và qui hoạch phát triển đô thị, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế biển.


Phương án thứ hai là dịch chuyển vị trí xây dựng tuyến đê vào khu vực vành đai 3 của thành phố ở khu vực Hiệp Phước, Bình Khánh, ngăn sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt. Phương án này khắc phục được một phần những nhược điểm của phương án thứ nhất, nhưng tính khả thi không cao, vì áp lực lũ của hai sông nói trên cực mạnh, đòi hỏi phải thi công cống thoát lũ với kích thước rất lớn. Trong điều kiện lòng sông ở đây sâu hơn 30 mét, việc xây dựng một tuyến đê và hệ thống cống đủ sức ngăn triều, thoát lũ là cực kỳ khó khăn và mạo hiểm.


Phương án khả thi nhất là ngăn triều và tiêu, thoát lũ theo khu vực bằng hệ thống đê bao và cống ngăn triều ở hầu hết các tuyến kênh, rạch; vùng 1 kẹp giữa sông Sài Gòn, sông Nhà Bè và sông Vàm Cỏ Đông, vùng 2 kẹp giữa sông sài Gòn và sông Đồng Nai. Phương án này không gây ảnh hưởng đến môi trường, đến giao thông đường thủy và các qui hoạch khác của thành phố. Hệ thống bờ bao và cống ngăn triều sẽ hạ mực nước trong nội thành thấp xuống khi có triều cường, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêu, thoát lũ.


PV: Sự khác biệt giữa phương án này so với các phương án chống ngập đã và đang triển khai ở thành phố hiện nay là gì?

PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Việc tôn cao cốt nền và đắp bờ bao chống triều, chúng ta đã triển khai lâu nay, nhưng mới chỉ thực hiện theo phương pháp thủ công, ngập ở đâu, chống ở đó. Thế nên xóa ngập được chỗ này thì lại phát sinh điểm ngập mới. Dự án chúng tôi nghiên cứu mang tính tổng thể, đồng bộ, qui hoạch hệ thống đê bao có cao trình từ + 2,50 mét trở lên. Tổng chiều dài các tuyến đê hơn 164 km. Dự án cũng tính toán qui hoạch các hồ điều tiết nước bao gồm các kênh rạch ở phía Nam thành phố. Một số khu vực trũng hiện nay cần được giữ nguyên trạng, không nên san lấp, để có đủ dung tích dự phòng chứa lượng nước mưa rút ra từ trung tâm thành phố trong thời gian diễn ra triều cường. Quan trọng nhất là hệ thống cống ngăn triều giữ vai trò quyết định đến khả năng kiểm soát mức nước và cải thiện môi trường nước. Tổng số có 12 cống loại lớn đặt ở các cửa kênh lớn và nhiều cống nhỏ khác. Phần lớn hệ thống cống này hoạt động theo chế độ tự động.

PV: Được biết trong quá trình phản biện dự án quy hoạch này, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc thi công hệ thống đê bao theo kiểu khoanh tròn như vậy sẽ “nhốt” Thành phố Hồ Chí Minh trong một cái ao khổng lồ?

PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Hoàn toàn không phải vậy. Dự án chia thành phố thành hai vùng. Vùng 1 là vùng khống chế phần lưu vực nằm giữa hai sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Đây là vùng quan trọng nhất, khống chế toàn bộ khu vực trung tâm và phía Bắc, phía Tây và phía Nam thành phố. Vùng 2 là vùng đang phát triển, bao gồm các quận 9, Thủ Đức và các vùng đất thấp bao quanh tiếp giáp với sông Đồng Nai - Sài Gòn. Hệ thống đê bao được bố trí ven theo bờ hữu sông Sài Gòn, sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông. Tuyến đê từ Bến Súc đến Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao các dự án thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Phần còn lại được xây dựng kết hợp trên các tuyến đường giao thông hiện hữu và trong qui hoạch, nên qui mô của các tuyến đê bao này phụ thuộc vào qui mô của các tuyến giao thông. Ở đây chúng tôi không can thiệp thô bạo vào qui luật dâng và xả lũ của các tuyến sông chính, mà tập trung điều tiết, hạ mực nước xâm nhập vào thành phố. Khi mực nước này được hạ thấp, cảnh ngập lụt như hiện nay sẽ không xảy ra.

PV: Dự án đã thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Bộ Nông nghiệp &PTNT đã báo cáo đề án với Chính phủ, gửi đề án cho một số bộ, ngành Trung ương góp ý và trực tiếp làm việc với UBND, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến phúc đáp của các bộ, ngành và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá cao những luận cứ khoa học và tính khả thi của dự án, bổ sung một số nội dung về qui hoạch tổng thể, khả năng huy động tài chính... Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể. Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát qui hoạch tổng thể của dự án để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các qui hoạch khác trên địa bàn. Khi dự án được thẩm định, việc triển khai thi công mất khoảng thời gian từ 3-4 năm. Tổng kinh phí dự kiến hơn 10 nghìn tỷ đồng.

PV: Vậy khi nào thì dự án được triển khai ?

PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tháng 6 tới đây Hội đồng thẩm định do Bộ Nông nghiệp &PTNT phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, sẽ hoàn tất việc thẩm định dự án để báo cáo Thường trực Chính phủ. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Như vậy, có thể đến năm 2009 dự án sẽ khởi công.

PV: Như vậy, người dân thành phố Hồ Chí Minh có thể lạc quan mà nói rằng, trong vòng 3-4 năm tới sẽ không còn cảnh ngập lụt?

PGS-TS Lê Mạnh Hùng: Như tôi đã nói, mục tiêu của phương án này là ngăn triều, tiêu lũ, hạ thấp mực nước trong thành phố xuống dưới cốt nền, nên cơ bản hiện tượng úng ngập như hiện nay sẽ được giải quyết. Không những thế, chúng tôi đã tính toán, với hệ thống đê bao và cống ngăn triều như vậy, khoảng 50 năm sau, khi mực nước biển dâng cao khoảng 5 tấc nữa, thì hệ thống này vẫn phát huy tác dụng tốt.

PV: Đây quả là một tin vui đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn và chúc ông cùng các nhà khoa học thực hiện dự án sẽ thành công!

PHAN TÙNG SƠN
(Thực hiện)

Liên kết web