Ngày 1-11, triều cường tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm so với mấy ngày trước
đó nhưng nhiều khu vực nội ô các đô thị tại Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang...
vẫn còn ngập sâu, đời sống người dân bị xáo trộn nghiêm trọng.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi
trường TP Cần Thơ - nhận định tình hình triều cường và lũ đang xảy ra
khá bất thường. Theo ông Vinh, mùa lũ năm nay khu vực thượng nguồn như
Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) vẫn bị ảnh hưởng bởi triều cường, đây là
điểm khác so với những năm trước.
Ông Vinh cho rằng tình trạng ngập nặng ở ĐBSCL chủ yếu là do mưa ở
thượng nguồn lớn kết hợp với triều cường rất mạnh với đỉnh cao nhất là
2,15m vào ngày 27-10 (chỉ thấp hơn mức 2,16m ghi nhận năm 1994). Điều
đáng lo ngại, trong khi ĐBSCL bị ngập nặng thì mực nước cao nhất trên
sông Mekong thuộc Thái Lan, Lào lại thấp hơn mức trung bình. “Với hiện
tượng này, chỉ sợ mùa khô tới ĐBSCL lại thiếu nước”.
Nhiều nơi ngập nặng
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Cần Thơ, mực nước cao nhất đo
được trên sông Cần Thơ ngày 1-11 là 1,77m, thấp hơn 20cm so với mực nước
cao nhất trước đó nhưng nhiều nơi vẫn còn ngập sâu. Tại hẻm 118 Trần Văn
Khéo (Q.Ninh Kiều), triều cường sáng gây ngập hơn nửa mét.
Theo ông Thư, có hai nguyên nhân chính: triều cường dâng cao bởi tình
trạng nước biển dâng và các công trình cơ sở hạ tầng cản trở đã ảnh
hưởng đến việc thoát lũ ra biển. “Các công trình như hàng loạt khu đô
thị, khu dân cư, hệ thống giao thông, đê bao sản xuất... ở hạ lưu làm
thu hẹp đường thoát lũ ra biển, gây nên tình trạng ngập cục bộ, còn
triều cường chỉ là nguyên nhân thứ yếu” - ông Thư nhận định.
Bà Nguyễn Thị Tím phải bỏ nhà từ hơn mười ngày qua, đến nay vẫn chưa trở
về vì liên tục có nhiều đợt triều cường. Bà Tím cho biết chưa bao giờ
gia đình bà phải sống trong cảnh nước ngập nặng nề như thế. Tương tự,
tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Q.Bình Thủy), nước tràn vào khuôn viên một
số xí nghiệp rồi đổ ra quốc lộ 91. Cơ quan chức năng TP Cần Thơ cho biết
đến chiều qua đã có hơn 15.700 căn nhà và 91 điểm trường học bị ngập,
trong đó Q.Ninh Kiều là nơi có nhiều nhà bị ngập nhất, ước tính thiệt
hại gần 92 tỉ đồng.
Tình hình ngập tại tỉnh Bạc Liêu cũng không giảm. Triều cường cộng gió
lớn gây ngập nhiều tuyến đường, khu dân cư và làm sạt lở nhiều khu vực
có rừng phòng hộ. Ở TP Bạc Liêu, nước tràn ngập đường Cao Văn Lầu và
nhiều khu dân cư, khu du lịch thuộc P.Nhà Mát.
Tại huyện Hòa Bình, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, dâng lên bằng
với mặt đường quốc lộ 1A, tràn vào vùng sản xuất lúa đông xuân. Theo báo
cáo của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đông Hải, nhiều
tuyến đường nội ô thị trấn Gành Hào, đường liên xã, cảng cá Gành Hào,
gần 330ha đất nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu bị nước ngập.
Tại Hậu Giang, ở khu vực giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng, nước từ sông tràn
qua quốc lộ 1A gây ngập lênh láng các tuyến dân cư dọc quốc lộ này. Còn
tại An Giang, dù lũ ở thượng nguồn đã rút, nhưng liên tục kể từ ngày
25-10 tới nay TP Long Xuyên luôn trong tình trạng ngập triền miên do lũ
và triều cường.
Đối mặt nguy cơ lũ lớn liên tiếp
ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ xảy ra lũ lụt liên tiếp như thời điểm năm
2000-2001. Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn khu vực
Nam bộ), điều khác biệt là những năm gần đây, lũ ở ĐBSCL ngày càng thấp
dần nhưng năm 2011 lại xuất hiện lũ lớn kéo dài liên tục nhiều ngày.
Nhận định về nguyên nhân gây lũ lớn ở ĐBSCL, ông Bùi Đức Long, trưởng
phòng dự báo thủy văn khu vực Trung bộ - Tây nguyên - Nam bộ, cho rằng
có ba yếu tố. Thứ nhất, trong một thời gian ngắn đã xuất hiện liên tục
các cơn bão số 3 (Nock-Ten), số 4 (Haitang), số 5 (Nesat), số 6 (Nalgae)
và áp thấp nhiệt đới. Các cơn bão làm mưa liên tục trên thượng nguồn
sông Mekong, nước lên nhanh và tràn về khu vực hạ nguồn. Thứ hai, cùng
thời điểm này, gió tây nam cũng gây mưa to tại khu vực ĐBSCL làm một
lượng nước khá lớn tiếp tục ập xuống. Thứ ba, khi lũ chưa kịp hạ thì
triều cường từ biển Đông tràn về các vùng cửa sông làm đỉnh lũ tăng trở
lại.
Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung
ương, nhận định: dựa theo chuỗi quan trắc nhiều năm trở lại đây cho thấy
có những năm vết đen mặt trời (hay còn gọi chu kỳ hoạt động mặt trời)
hoạt động mạnh, năm đó thường gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan
như bão, lũ mạnh. Ngoài sự tác động của chu kỳ hoạt động mặt trời, biến
đổi khí hậu cũng là một yếu tố làm thời tiết xảy ra các hiện tượng theo
chiều hướng xấu hơn như hạn hán nghiêm trọng, nắng nóng kéo dài, bão lũ
xuất hiện liên tục. Với những phân tích đó, ông Hải cho biết trận lũ
lịch sử năm 2000-2001 hoàn toàn có khả năng lặp lại lần nữa trong năm
2012.
Theo Tuoitreonline