Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) gồm 7 tỉnh và một thành phố là TP Đà Nẵng, các tỉnh Vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận có tổng diện tích tự nhiên 40.655 km2 (chiếm 12,3% diện tích cả nước). Đây là vùng địa lý đặc biệt của cả nước với 264.981 ha cồn cát, bãi cát dọc theo ven biển, 65.000 ha đất bạc màu, 36.847 ha núi đá; 1.000.116 ha đất trống đồi trọc. Với địa hình dốc ngắn, bị chia cắt mạnh làm cho DHNTB trở thành vùng đất đặc thù với thiên tai khắc nghiệt nhất cả nước. Mùa mưa bị bão, lũ uy hiếp, mùa khô hạn hán đe dọa không chỉ mùa màng, gia súc mà con người cũng bị thiếu nước, gây khó khăn cho cuộc sống cũng như phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đời sống của người nông dân nông thôn nơi đây.
Do tập trung cho phát triển công nghiệp và đô thị, trong một khoảng thời gian dài vùng nông thôn rộng lớn với hơn 70% dân số cả nước ít được đầu tư, phát triển. Hậu quả là đời sống của phần lớn nông dân các vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn, từ lương thực đến thuốc men và hạ tầng cơ sở đã tạo nên khoảng cách quá lớn về giàu nghèo giữa người dân nông thôn với người dân thành phố.
Thực trạng đó do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan; Thực tế là DHNTB đang tồn tại nền sản xuất nhỏ lẻ, thủ công luôn bị thiên tai, lũ lụt hạn hán uy hiếp. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật (thủy lợi, giao thông, xây dựng, môi trường..) còn yếu kém, thiếu đồng bộ dẫn đến năng suất sản lượng thấp, chất lượng kém, giá thành cao, rất khó cạnh tranh trên thị trường, hậu quả là càng sản xuất càng thua lỗ, thu nhập giảm và đời sống người nông dân còn rất nhiều khó khăn.
Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư về "Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn" gọi tắt là "Tam nông" do Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành ngày 5/8/2008 chỉ rõ mục tiêu của chính sách "Tam nông" là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; Nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; Đời sống dân chủ, an ninh.
Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã "Nông thôn mới" bao gồm 19 tiêu chí. Hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn như NQ 26 đã nêu; Khẳng định Bộ tiêu chí là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2010 – 2020. Trong đó chỉ rõ mục tiêu của Chương trình là "Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Mục tiêu của đề tài
Mục tiêu chung:
Đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ về cơ sở hạ tầng thủy lợi và nước sinh hoạt phục vụ các mô hình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới cấp xã phù hợp với vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Mục tiêu cụ thể:- Đánh giá được thực trạng sử dụng và quản lý khai thác nguồn nước theo tiêu chí NTM trên vùng DHNTB;
- Đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ về cơ sở hạ tầng thủy lợi và nước sinh hoạt phục vụ cụ thể các ngành kinh tế nông thôn DHNTB;
- Hoàn thành hồ sơ kỹ thuật 03 mô hình cơ sở hạ tầng thủy lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn cấp xã.
+ Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm:
1/ Tổng quan về hạ tầng cơ sở thủy lợi và nước sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế nông thôn mới cấp xã vùng DHNTB.
2/ Đánh giá thực trạng hạ tầng cơ sở thủy lợi (HTCSTL), nước sinh hoạt (NSH) cấp xã theo tiêu chí nông thôn mới vùng DHNTB.
3/ Đề xuất các giải pháp KH & CN về hạ tầng cơ sở thủy lợi và nước sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM cấp xã phù hợp với vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ (DHNTB).
4/ Thiết lập 3 hồ sơ kỹ thuật mô hình hạ tầng cơ sở thủy lợi, nước sinh hoạt quy mô cấp xã cho 3 xã đại diện 3 tiểu vùng sinh thái của DHNTB gồm xã đại diện vùng núi, trung du; xã đại diện vùng đồng bằng; xã đại diện vùng ven biển.
Đề tài cũng tổ chức thành công 3 cuộc hội thảo tại 3 xã đại diện vùng nghiên cứu nhằm báo cáo kết quả xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao kết quả cho địa phương ứng dụng vào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới cho các địa phương.
Theo Quyết định thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ và Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá nghiệm thu số 513/QĐ-BNN- KHCN ngày 22/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là GS.TSKH. Nguyễn Ân Niên (Hội Khoa học Thủy lợi TP.Hồ Chí Minh), 2 ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Đăng Tính (Đại học Thủy lợi- Cơ sở 2 tại TP.HCM) và PGS.TS. Hoàng Văn Huân (Viện Kỹ thuật Biển).
Trước đó, vào ngày 04/3/2016, Tổ chuyên gia tư vấn thẩm định đánh giá nghiệm thu đề tài do GS.TS. Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam- Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn, đã họp để thẩm định toàn bộ hồ sơ sản phẩm đề tài.
Tham dự phiên họp nghiệm thu chính thức, về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các chuyên viên của Vụ.
Về phía Ban chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 có PGS.TSKH. Phan Thanh Tịnh, thành viên BCN Chương trình và các chuyên viên của Chương trình.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam có TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng, lãnh đạo và cán bộ đơn vị thực hiện đề tài là Trung tâm nghiên cứu Thủy nông và cấp nước và đại diện các phòng quản lý chức năng, các cán bộ khoa học của Viện.
Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất đánh giá nghiệm thu đề tài xếp loại khá (84/100 điểm) theo quy chế đánh giá ban hành tại Thông tư số 12/2009/TT-BKHCN ngày 08/5/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một số hình ảnh Lễ nghiệm thu đề tài:
Tin và ảnh: Phòng Kế hoạch