|
Ngày 01/10/2016, tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp nghiệm thu chính thức kết quả thực hiện Đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng (cấp, thoát và xử lý nước) phục vụ nuôi tôm vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long", do TS. Nguyễn Phú Quỳnh –Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam làm Chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ được thành lập theo Quyết định số 3771/QĐ-BNN-KHCN ngày 15/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội đồng gồm 7 thành viên do GS.TS. Lê Sâm, Hội Khoa học Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng. Hai Ủy viên phản biện là PGS.TS Dương Văn Viện, Hội Khoa học Thủy lợi TP.Hồ Chí Minh và ThS Trần Hoài Giang, Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam.
Tham dự phiên họp về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường và các chuyên viên của Vụ. về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện; về phía Viện KHTL miền Nam có TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị chuyên môn thuộc Viện. Tham gia phiên họp nghiệm thu còn có các chuyên gia đầu ngành: GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, PGS.TS Lê Mạnh Hùng…và một số cán bộ khoa học khác.
Theo đánh giá của Hội đồng, đây là một đề tài khá rộng và có tính thời sự, tính thực tiễn cao liên quan mật thiết đến vấn đề tái cơ cấu ngành. Tập thể tác giả đã cố gắng nỗ lực rất lớn, triển khai nghiên cứu có hệ thống và có sự phối hợp tốt với địa phương. Đề tài đã biên soạn được cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm ven biển ĐBSCL, đã tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các địa phương về nội dung Sổ tay hướng dẫn để trình Bộ trước khi tổ chức nghiệm thu.
Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị đề tài xác định rõ đối tượng nuôi, đối tượng sử dụng Sổ tay, dự kiến tổ chức tập huấn cho các Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư các địa phương để chuyển giao, quảng bá cho sản xuất.
Kết quả đánh giá đề tài theo quy chế 18/2015/TT-BNNPTNT, đề tài đạt loại Khá.
Một số kết quả chính về khoa học công nghệ của đề tài:
a. Ý nghĩa khoa học
Đề tài đã được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường sinh thái, các chuyên gia từ địa phương có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, đề tài đã nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các chuyên gia nuôi tôm nhiều kinh nghiệm đến từ Thái Lan (hiện đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sự thành công trong lĩnh vực NTTS nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng).
Đề tài đã xác định được nhu cầu nước rất lớn cho nuôi tôm trong từng thời điểm sinh trưởng, sự cần thiết phải bố trí, sắp xếp một cách khoa học các công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi vùng nuôi từ hệ thống cấp, thoát nguồn đến hệ thống ao trong khu nuôi để đảm bảo tính bền vững. Đề tài đã đóng góp về vấn đề tổng hợp nguồn nước, các dữ liệu về khoa học công nghệ môi trường, góp phần phát triển hệ phương pháp luận trong nghiên cứu các vấn đề trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng trong nuôi tôm ven biển theo hướng: tiếp cận đa mục tiêu, bền vững sinh thái, thích ứng với BĐKH và hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới vùng ven biển.
Các lĩnh vực khoa học, công nghệ có liên quan như: cấp, thoát và xử lý nước, giao thông nông thôn, kết cấu công trình, công nghệ vật liệu mới trong xây dựng cũng đã được giới thiệu để nghiên cứu lựa chọn vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm thân thiện và bảo vệ môi trường, phát triển, ổn định, bền vững sản xuất nuôi tôm vùng ven biển.
Bồi dưỡng và đào tạo cán bộ khoa học công nghệ; nâng cao, cập nhật các kiến thức khoa học cho cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước, kết cấu công trình, khoa học môi trường, phát triển và sử dụng bền vững.
b. Ý nghĩa thực tiễn
Đã xây dựng được Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm ven biển ĐBSCL. Đây là sản phẩm xuất bản lần đầu tiên, đối tượng phục vụ trực tiếp là bà con nông dân, các doanh nghiệp NTTS - những cá thể trực tiếp kinh doanh, sản xuất nuôi trồng tại ruộng đồng. Các nhà quản lý cũng như các nhà thiết kế cũng có thể tham khảo sổ tay này để định hướng quản lý và thiết kế HTTL nội đồng được hiệu quả nhất.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cải thiện đáng kể hiện trạng suy thoái môi trường nước trong nuôi tôm ven biển đang diễn ra nghiêm trọng trên khắp cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Từ đó góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và duy trì bền vững vị trí xuất khẩu thủy sản ở nước ta.
c. Những kết quả nghiên cứu có tính mới của đề tài:
- Đưa ra được phương pháp tính toán hệ số cấp nước cho nuôi tôm ven biển vùng ĐBSCL và xác định nhu cầu nước cũng như hệ số cấp nước cho nuôi tôm với các mô hình nuôi khác nhau và với các vùng địa lý khác nhau trên đồng bằng;
- Ban hành sổ tay Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thủy lợi nội đồng phục vụ nuôi tôm ven biển ĐBSCL, trong đó đề cập tới khá nhiều vấn đề kỹ thuật như: Đưa ra các tiêu chí cơ bản về HTTL trong vùng nuôi tôm; Mặt bằng bố trí HTTL cho vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, luân canh, quảng canh ...; Mặt bằng kỹ thuật thủy lợi trong từng khu nuôi tôm cụ thể, trong đó đưa ra sơ bộ bố trí, sắp xếp các loại ao, tính toán quy mô và đưa ra hình dạng kết cấu mẫu cho từng loại ao cụ thể;
- Đưa ra các quy định kỹ thuật công trình thủy lợi cho vùng nuôi tôm nước lợ; Giới thiệu và chỉ dẫn ứng dụng một số công nghệ mới trong việc xây dựng, và quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm.
Một số hình ảnh tại buổi lễ nghiệm thu:
|
|
|
|
Tin và ảnh: Phòng Kế hoạch